Có thể các bạn ở đây đã từng nghe tới câu chuyện Đức Phật ví con đường trung đạo như sợi dây đàn. Sợi dây ấy không quá căng cũng không quá chùng. Nó cân bằng nên phát ra âm thanh ổn định và êm ái.
Trước kia, tôi từng nghĩ rằng mình hiểu được câu chuyện minh họa này, nhưng nó chỉ thực sự thấm vào nhận thức khi tôi đi qua những trải nghiệm cực đoan trong đời sống. Hay nói cách khác, tôi đã rơi vào những tình huống được mô tả như sợi dây căng và sợi dây chùng mà Đức Phật đã từng nói tới. Có thể một số bạn ngoài kia cũng không tránh khỏi một trong hai trạng thái này nên tôi muốn chia sẻ về nó để chúng ta có cái nhìn rõ ràng về những gì mình nên làm để có được cân bằng trong cuộc sống. Trong bài viết này, tôi tạm gọi hai trạng thái cực đoan đó là cứng nhắc và buông thả. Cụ thể thế nào, các bạn cùng theo dõi.
Từ thuở nhỏ cho tới khoảng vài tháng trở lại đây, tôi thường sống với quán tính của một người ưa lập kế hoạch, sống theo nguyên tắc, lịch trình, ưa đào sâu vào mọi thứ. Một khi đã động tay làm việc gì thì luôn muốn làm nó xong ngay và thật hoàn hảo. Hầu như chuyện hình thành thói quen mới là không quá khó đối với tôi. Đồng thời, tôi cũng có những tham vọng và động lực lớn trong cuộc sống. Nhưng dần dà, quán tính này càng trở nên áp đảo cực đoan và nó biểu hiện trong tôi một sự cứng nhắc, khó đổi và khắt khe. Hễ có một chuyện gì đó chen ngang vào bản kế hoạch là tôi thấy bất an, khó chịu và dường như không thể chấp nhận nổi. Mặt tối của sự cực đoan này là tính bảo thủ, khó thích nghi, khó cảm thông và chống cự lại mọi sự biến đổi trong cuộc sống. Càng mang những quán tính này lâu dài, tôi càng cảm thấy căng thẳng, bức bách, không có sự ngơi nghỉ, thậm chí cảm thấy bị đe dọa bất an khi có những thay đổi đột ngột diễn ra. Trớ trêu thay, cuộc sống thì luôn đầy rẫy những sự biến đổi.
Cho đến một ngày nọ, khi thái cực cương cường kia đạt đỉnh, nó bỗng đảo cực thành một thứ đối lập. Tôi cảm thấy mình không còn muốn lập kế hoạch cho chuyện gì nữa, tầm nhìn hay định hướng cuộc sống tương lai của tôi suy giảm. Trong tôi có thái độ rằng: “Đến đâu hay đến đó, ngày nào biết ngày nấy” và phó mặc tất cả cho cuộc sống, còn bản thân mình thì trì hoãn chẳng làm gì cả. Sự tập trung của tôi giảm sút, rất khó để tôi có thể ngồi vào bàn và thực hiện công việc như mọi khi trong khoảng vài ba tiếng. Tôi muốn thư giãn, nghỉ ngơi, đặc biệt là ngủ nhiều hơn hẳn trước kia. Động lực và tham vọng trong cuộc sống dần biến mất. Trong trạng thái đó, tôi chỉ ước rằng mình không phải làm gì “nặng nhọc” cả, chỉ cần ngày ngày ở nhà dọn dẹp, nấu nướng, xem phim thôi, chẳng cần phải có một con đường sự nghiệp gì. Tôi đã ước sao có ai đó nuôi tôi cả đời như vậy. Lúc đó, tôi thấy mình mất hết ý chí sống, thậm chí mất luôn cả lòng tự trọng.
Nhưng may thay, trải nghiệm đó chỉ kéo dài khoảng vài tháng, đủ để tôi nếm trải và hiểu ra rằng nó và thái cực căng thẳng trước kia như hai mặt của một đồng xu. Khi bức bối cứng nhắc quá thì chúng ta có xu hướng muốn buông thả, phó mặc cho cuộc đời đưa đẩy. Rồi đến khi buông thả quá mức thì ta lại thấy bất an xáo trộn và muốn xây dựng lại các cấu trúc và nguyên tắc, hoặc muốn dựa dẫm vào ai đó có được sự cứng cáp, ổn định đó. Tôi đã nhìn thấy nó như một vòng lặp vô tận không có hồi kết thúc, luẩn quẩn trong tự phụ và tự ti, căng cứng và uể oải, tham vọng và nhụt chí, nóng nảy và nguội lạnh,…
Có thể nói, những sự cực đoan luôn đi với nhau theo từng cặp. Chúng khiến cho một người phải chơi trò tàu lượn lên đỉnh rồi xuống đáy. Đi cùng với đó, tâm trạng của họ cũng không ổn định mà liên tục bị xáo động, hết vui sướng rồi lại buồn khổ, lao từ cực này đến cực kia. Người đó chẳng hề có được sự bình an trong tâm hồn, chẳng có phút giây nào hài lòng với cuộc sống. Đây chẳng phải là một sự trầm luân trong bể khổ hay sao?
Kể từ khi trải qua hai thái cực và hiểu được những mặt tối của chúng, tôi bỗng bừng tỉnh rằng con người chúng ta cần phải biết cân bằng hai kiểu năng lượng đó, như cân bằng sợi dây đàn, không để nó quá căng hay quá chùng. Khi ấy, những thái cực mới biểu lộ những mặt tích cực của nó, là sự kỷ luật và quy phục. Kỷ luật + Quy phục = Flow.
Lý trí, định hướng sống, các kế hoạch là cần thiết, chúng giúp một người có tâm thế vững chãi an ổn. Chúng giúp họ vươn lên, đứng thẳng và nhìn thẳng. Những cấu trúc tạo nên sự tự tin cho người đó và là điểm tựa vun đắp những giá trị sống của họ, sắp xếp cuộc sống của họ vào một trật tự. Đây là biểu hiện tích cực của nguyên lý dương.
Còn những sự nghỉ ngơi, trực giác và khả năng thích nghi cũng là một nửa quan trọng không kém. Chúng giúp một người có sự lạc quan, tận hưởng và khiêm nhường. Đôi tai người đó sẽ lắng nghe nhiều hơn, trái tim người đó sẽ mềm mại hơn. Những ân sủng cuộc đời tuôn chảy trong sự thư thái của tâm hồn của họ. Đây là biểu hiện tích cực của nguyên lý âm.
Khi dương lấn át âm thì sinh ra sự tiêu cực là tính cứng nhắc, khắt khe, bảo thủ và kém đức tin. Khi âm áp đảo dương thì sinh ra sự tiêu cực là tính nhu nhược, lười nhác, vô hướng và mê tín. Còn khi ai thái cực cân bằng thì cá nhân ấy được sống trong sự hòa hợp âm dương, một trạng thái bình an tự nhiên trong tâm hồn. Lúc này, lý trí của người đó sáng suốt quyết đoán, còn trái tim thì nhạy cảm linh hoạt. Tất cả đều rạng rỡ, hài hòa và êm ái.
Bình thường, nếu một người trải nghiệm sự phân bố không đồng đều của âm dương trong cuộc sống thì ắt sẽ nếm trải những tiêu cực đau khổ. Theo lý thuyết, người đó có thể luyện tập bổ sung thêm phần âm hoặc phần dương còn thiếu. Ví dụ như tập xây dựng kế hoạch nếu bản thân biếng nhác, hoặc tập thư giãn thả lỏng khi bản thân quá ôm đồm,…. Nhưng theo tôi thường thấy trong thực tế, để làm được việc này thì một người phải rất kiên trì nỗ lực thì mới thành công. Còn không, đa số mọi người đều phải trải nghiệm các điểm cực để hiểu ra mọi chuyện. Điều này có nghĩa là chúng ta giác ngộ thông qua việc nếm trải tận cùng đau khổ. Theo cách nói nghiêm khắc của dân gian, đây là trường hợp “thân lừa ưa nặng.” Còn tích cực hơn, theo cách nói của William Blake thì “Con đường của sự cực đoan dẫn tới cung điện của trí tuệ.”
⭐ 20 trích dẫn hay nhất từ William Blake: https://bit.ly/2Sf8mp4
Vậy nên trong hiện tại, nếu bạn đang ở trong những trạng thái chưa cân bằng, quá cứng nhắc hoặc quá buông thả, thì hãy hiểu rằng đây là những điều đang cần được chuyển hóa để bạn có thể trở nên một phiên bản hài hòa hơn. Hãy kiên nhẫn với chính mình, để ngụp lặn, quan sát, và hiểu ra bản chất của những thái cực đó. Chỉ khi nào tự mình hiểu ra, bạn mới có thể nhận thấy điểm cân bằng tự nhiên bên trong tâm hồn.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa