“Manner Maketh Man”
“Manner” có lẽ là từ tiếng Anh mà tôi yêu thích nhất mà không thể tìm được từ tiếng Việt tương ứng. Trong Manner có “Man”. Người đàn ông có cung cách ứng xử lịch thiệp, không phải chỉ mặc đẹp, tỏ vẻ lịch sự, biết nói những lời xin lỗi, cảm ơn sáo rỗng mà họ đưa manner vào nhân cách sống: điềm đạm, cư xử đúng mực và tôn trọng người khác. Kingsman: The Secret Service không chỉ là một bộ phim giải trí đơn thuần mà nó gợi lại một nghệ thuật sống đẹp đang dần mất đi trong xã hội hiện đại.
Kingsman khác hoàn toàn với chuỗi phim về điệp viên hào hoa huyền thoại James Bond của tổ chức MI6 mà đem tới một thông điệp rõ ràng: không phải phim điệp viên nào cũng giống nhau một cách rập khuôn như Bond. Kingsman bắt đầu với Eggsy (Taron Egerton) – chàng thanh niên tài năng nhưng có cuộc sống khó khăn cho tới ngày anh gặp điệp viên Harry Hart (Colin Firth). Ở điểm này thì Kingsman cũng giống như bao bộ phim về những tổ chức điệp viên bí mật khác, Eggsy được tuyển vào chương trình đào tạo điệp viên bí mật của tổ chức Kingsman dưới sự giám sát của Merlin (Mark Strong).
Điều đầu tiên đáng nhắc tới trong Kingsman chính là vẻ đẹp của London. Điều khác nhau dễ thấy giữa những bộ phim hành động của Hollywood và phim của Anh Quốc chính là cách phác họa London. London của Kingsman đẹp trần trụi. Từ những khu dân cư sập xệ cho tới những quán bar, pub cuối góc phố hay những chú cáo chạy ngang đường tàu lúc nửa đêm. Với những ai từng sống tại UK và đặc biệt là London, Kingsman là một bộ phim không thể bỏ qua. Khi cảnh quay chiếu đến cửa hiệu của Kingsman ở Savile Row, đó là một góc London đẹp sang chảnh những không kém phần cổ kính. Không khó để nhận ra địa điểm của cửa hiệu Kingsman được đặt tại Huntsman – một trong những nhà may bespoke nổi tiếng tại Savile Row.
James Bond dù trong phim hay ngoài đời, họ đều mặc bespoke. Khi Eggsy hỏi Merlin: Liệu nó có vừa không? Tôi chỉ có thể cười thầm. Kingsman khắc họa rõ nét tính hài hước của người Anh. Nhẹ nhàng mà thâm thúy. Từng câu chữ trong lời thoại khiến những ai yêu quý nước Anh và đặc biệt là tiếng Anh Anh vô cùng tâm đắc.
Một trong những điều đáng nhắc tới trong Kingsman chính là việc lựa chọn diễn viên. Colin Firth cuối cùng cũng được mãn nguyện với ước muốn đóng vai hành động. Ông có lẽ là điển hình của câu nói “gừng càng già càng cay” và sau khi xem Kingsman tôi tự hỏi, tại sao Colin không đóng phim hành động sớm hơn. Mark Strong nổi tiếng với những vai diễn phản diện trở nên nhẹ nhàng lạ lẫm với nhân vật chính diện Merlin. Dĩ nhiên, Samuel L.Jackson trong vai thiên tài công nghệ sợ máu là tâm điểm của phim.
Phải hơn hai tuần nữa Kingsman mới được khởi chiếu tại Việt Nam và hai ngày nữa mới được công chiếu rộng rãi tại Anh và Mỹ. Tuy nhiên có lẽ tôi sẽ phải ra rạp để xem lại Kingsman thêm một lần nữa. Là một người yêu thời trang và cái đẹp, xuyên suốt buổi chiếu tôi luôn tự hỏi: tại sao họ không làm hẳn một thương hiệu quần áo mang tên Kingsman nhỉ? Thật tuyệt vời là sau sự ra đời của bộ phim Kingsman: The Secret Service, đạo diễn Matthew Vaughn đã kết hợp với Mr.Porter để tạo nên thương hiệu thời trang nam giới dưới tên Kingsman thật.
Mỗi sản phẩm đều mang logo Kingsman và được tạo nên bởi những chất liệu cao cấp và điển hình của thời trang Anh Quốc. Dưới sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang, khi vải vóc có thể đặt hàng với giá thành rẻ từ Trung Quốc hay Đài Loan, tại UK, những xưởng dệt truyền thống vẫn đang đầu tranh để giữ lại truyền thống và văn hóa dệt may. Kingsman sử dụng vải từ những xưởng dệt lâu đời tại Anh Quốc và Pháp như Holland Sherry, Fox Brothers hay Dormeuil. Bây giờ mời bạn hãy chiêm ngưỡng bộ sưu tập đầu tiên của Kingsman x Mr.Porter: