Trên Youtube, khi bạn gõ vào thanh tìm kiếm để nghe bài hát “Auld lang Syne” từ phim It’s a wonderful life thì có một lời bình như này: “Why don’t they make movies like these anymore?” (Vì sao người ta không làm những bộ phim như này nữa?)
Lời bình luận được rất nhiều người like. Một câu hỏi nghe có vẻ đơn giản nhưng thật sự khiến người ta suy nghĩ, không phải suy nghĩ xem vì sao người ta không làm nữa, mà suy nghĩ về cuộc sống hiện đại, xã hội đang bước vào thời kì hậu hiện đại, những giá trị nhân bản của cuộc sống dường như đang mai một, hoặc đang lái sang những hướng khác khiến những người sống hoài cổ và trân trọng quá khứ cảm thấy bối rối và lạc lõng. Những giá trị thuần khiết về mặt đạo đức, những mơ ước giản đơn đã rơi rụng đi nhiều. Người ta không thể bám vào quá khứ để sống, nhưng người ta cần quá khứ để biết nâng niu cái đẹp của cuộc đời. Đấy là điều tôi muốn nói về một trong những bộ phim hay nhất về Giáng Sinh “It’s a Wonderful Life” của Frank Capra đạo diễn năm 1946.
Bộ phim nói về cuộc đời của George Bailey (James Stewart), người từ khi sinh ra cho đến lúc lập gia đình chưa một lần bước chân rời khỏi thị trấn quê hương Bedford Falls của mình, mặc dù từ khi còn bé anh đã nuôi tham vọng đi khắp nơi trên thế giới. Anh nói: “Có ba âm thanh quyến rũ nhất thế giới, đó là tiếng động cơ tàu lửa, tàu thủy và máy bay.” Vì những âm thanh đó báo hiệu rằng ta sẽ rời khỏi nơi này để đến nơi khác, khám khá cuộc sống mới và vùng đất mới. Nhưng cứ mỗi khi anh sắp thực hiện được ước mơ của mình thì một biến cố nào đó lại xảy ra và giữ anh lại với thị trấn quê hương anh để giúp đỡ mọi người.
Trong thị trấn có một lão giàu có tên Henry F. Porter (Lionel Barrymore) chuyên cho vay nặng lãi và là cổ đông của hãng tín dụng Building and Loan, nơi bố của Bailey là một trong những người điều hành. Hoạt động của công ty giống như ngân hàng nhưng những khoản tiền gửi của khách sẽ được dùng để xây dựng những khu nhà kinh phí thấp cho người nghèo, chính vì vậy khi bố của Bailey qua đời, Henry một mực thuyết phục cổ đông của công ty giải thể nó, điều đó đồng nghĩa với việc những người nghèo sẽ không còn có thể có nhà ở giá thấp nữa. Điều duy nhất khiến công ty tiếp tục tồn tại là George buộc phải tiếp quản điều hành công ty trong khi anh đã sẵn sàng mọi thứ để lên đường thực hiện ước mơ của mình. Những biến cố liên tiếp xảy ra, Potter luôn tìm cách mua chuộc hoặc gây thiệt hại cho công ty để anh từ bỏ, nhưng George thà bỏ hết tiền của mình, những đồng tiền dự định cho chuyến trăng mật của anh và vợ để cứu công ty – nơi có thể giúp đỡ được rất nhiều người nghèo khổ.
Bộ phim cứ vậy, một cuộc chiến của một người đàn ông giữa trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội với chính đam mê của mình, và cuộc chiến chống lại sự tham lam của con người mà lão Potter là đại diện. Đạo diễn Frank Capra đưa ra cho ta một cái nhìn rất rõ ràng giữa thiện và ác hay nói đúng hơn giữa lòng tham và sự khoan dung. Câu chuyện giản dị, giàu tình cảm, những tình tiết hài hước được cài cắm khéo léo. Mỗi cá tính được điển hình hoá, mỗi tính cách được thể hiện nổi bật ở vai trò của mình trong bộ khung tổng thể của cuộc sống. Sự tương phản giữa thiện và ác, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa tuyệt vọng và tình người được nhấn mạnh một cách xuất sắc.
Nội dung phim dù không phức tạp hay đặc biệt nếu đặt ở tầm tư duy của xã hội hiện đại, nhưng những thông điệp mà bộ phim mang lại luôn luôn có thể áp dụng trong mọi thời đại, thông điệp của sự sẻ chia yêu thương và sống vì người khác. Nếu ai cũng chỉ sống vì mình mà thiếu đi tình yêu gia đình, xã hội thì có lẽ loài người đã tuyệt chủng từ lâu. Mỗi cá nhân chúng ta sống trong cuộc đời đều không thể tồn tại độc lập, nói như đạo Phật, mọi thứ đều không có tự tính, tất cả đều có sự tương tác, giao kết, ta sống đời ta nhưng đời ta lại có rất nhiều sợi dây nói với những cuộc đời khác, những số phận khác. George Bailey khi tuyệt vọng nhất định định tìm đến cái chết, và anh đã thốt lên: ước gì anh không được sinh ra trong cõi đời này. Nhưng nếu anh không tồn tại thì chuyện gì sẽ xảy ra, em trai anh sẽ chết trong hố băng vì không có ai cứu, ông già dược sĩ sẽ bị đi tù vì đưa nhầm thuốc độc, thị trấn Bedford Falls sẽ bị đổi tên và biến thành một thị trấn khác với toàn những club rẻ tiền, những người dân nghèo sẽ bị vắt kiệt trong những những căn nhà lụp xụp được cho thuê với giá cắt cổ… Nếu không có George Bailey, thì tất cả những điều đó sẽ xẩy ra, những sợi dây liên kết bị biến mất, cuộc sống của nhiều người đi theo những hướng khác sống trong những dòng thời gian khác. Trong một cuộc đời, luôn luôn có những lúc ta cảm thấy như đang chìm trong địa ngục, những địa ngục ở trần gian, nhưng không vì thế mà ta vô trách nhiệm từ bỏ cuộc sống của ta, George Bailey đã sống một cuộc đời cống hiến, đã dành được rất nhiều tình cảm của mọi người, “Chúng ta sẽ không là những kẻ thất bại nếu chúng ta có bạn”.
Có lẽ chính vì thế, “It’s a wonderful life” mặc dù không đạt được thành công về mặt thương mại, nhưng nó đã và luôn là một trong những bộ phim đáng xem nhất mỗi dịp Giáng Sinh và năm mới đến. Khi cái lạnh bao phủ lên mặt đất và làm co ro lòng người, thì sự ấm áp của cảm xúc và tình yêu càng cần thiết hơn bao giờ hết, nó làm ta tin vào một tương lai tươi sáng hơn, giúp ta quên một năm cũ còn nhiều vướng mắt. Những điều đó mới chính là thứ con người ta cần trong những giờ phút giao thời.
Thật không dễ đề tìm được một bộ phim vừa sâu sắc vừa gần gũi với khán giả đại chúng như này trong thế giới điện ảnh bây giờ, vẻ đẹp của sự tối giản giản đã nhường chỗ cho sự tinh tế của một cái đầu phải nghĩ thật sâu để hiểu được vấn đề, những câu hỏi tại sao, những suy nghĩ đầu óc mệt mỏi về những tầng ý nghĩa dày dặc của đạo diễn. Không ai cần phải tranh cãi xem bộ phim nói về điều gì, có hay như mong đợi hay không vì bộ phim của Frank Capra đã chứa đựng sự tinh tế của một tâm hồn biết rung động trước cái đẹp, cái đẹp của cuộc sống, của tình yêu, tình bạn. Giống như Casablanca, “It’s a wonderful life” là một bộ phim sống mãi với thời gian, phù hợp với mọi thời đại, không bao giờ bị cũ vì tư tưởng xuyên suốt phim là thứ tư tưởng thuần nhất của con người.