rodolfo-sanches-carvalho-9w-ogqjqwlk-unsplash

Đừng quan tâm đến người khác, hãy quan tâm đến chính mình

“Anh đã giác ngộ chưa”, “Anh thành công quá mà tôi thì chẳng làm gì nên hồn”, “Sao anh nỡ đối xử với tôi như vậy”, v.v.. Có bao giờ các bạn rơi vào những tình huống mà sự chú ý của bản thân hướng vào người khác và bạn bắt đầu so sánh, đánh giá hơn thua, phải trái chưa? Có thể bạn sẽ đưa ra lý do ngụy biện cho sự phóng dật này là tôi cần phải kiểm chứng anh ta để có thể tin những gì anh ta nói, tôi cần phải cảm thấy tự ti về bản thân để chứng minh sự thành công của người khác mà tôi vừa được chứng kiến, và tôi cần biết nguyên nhân của sự tệ bạc từ người khác để tôi có thể học cách tha thứ cho họ.

Nhưng xét cho cùng, bạn không cần phải biết những chuyện của người khác để bạn có thể trở nên lành mạnh. Bạn không cần phải quan tâm đến thế giới của người khác nếu việc đó không phục vụ việc bạn trau dồi hiểu biết về chính mình. Mọi sự tọc mạch, phóng chiếu và so sánh đều làm bạn phân chia bên trong nội tâm và khiến bạn sa sút sinh lực. Khi quán tính này càng lớn, lỗ hổng năng lượng của bạn càng to.

Không phải ai cũng biết rằng sự chú ý của mỗi người đều có thể được điều khiển và sử dụng. Nó là thứ năng lượng nội tại của mỗi cá nhân. Khi nó không được duy trì đầy đủ bên trong, một người sẽ sống trong trạng thái tiêu cực, thiếu thốn và yếu đuối. “Đừng quan tâm đến người khác” không có nghĩa là khi người ta bắt chuyện thì mình ngó lơ, khi người ta cần giúp đỡ thì mình lạnh nhạt. “Đừng quan tâm” ở đây là đừng phung phí sự chú ý của bản thân ra ngoài khi không cần thiết. Bạn hãy vun đắp sự chú ý đó cho chính mình, tích lũy nó đủ lớn để bạn có thể cảm thấy sinh lực bên trong. Vì chỉ với ngưỡng sinh lực đủ cao, bạn mới có khả năng điều tiết chính dòng sự sống ấy. Còn không, nó sẽ chạy nhảy tán loạn, tứ tung và khiến cuộc sống của bạn mệt nhọc, chán chường.

Với mỗi khoảnh khắc nhận ra rằng mình đang đốt sự chú ý vào một đối tượng bên ngoài, hãy bắt lấy chính mình. Khoảnh khắc bạn nhận ra, bạn đã quay trở lại ngôi nhà tự thân. Càng thực hành việc đó thành thục, bạn càng biết cách an trú bên trong tâm hồn, bạn càng có nhiều năng lượng. Và tình yêu có thể là gì ngoài một ngưỡng năng lượng dồi dào, trù phú. Nó sẽ tự tràn lan ra thế giới bên ngoài và ảnh hưởng tích cực đến môi trường, con người xung quanh bạn. Bạn không cần phải “quan tâm” đến người khác thì mới có thể yêu họ. Bạn yêu họ bằng cách quan tâm đến chính mình và khiến bản thân trở nên sung mãn và tươi sáng. Chính sự hiện diện tốt lành của bạn là minh chứng tình yêu quý giá nhất.

Trước kia, mình đã từng có xu hướng quan tâm người khác như thế nào, họ nghĩ gì về mình, và kiểm soát cách họ đối xử với mình. Nên mình vui hay buồn là do một lời nói cửa miệng của người khác, do một thành tựu chẳng liên quan của người khác và do một lối sống của người khác. Khi nhìn lại, mình thấy chuyện này thật vô lý và nực cười. Tại sao hoa trái của cây cam lại do một cây đào quyết định?

Từ khi tập thiền mỗi ngày và dành thời gian cho chính mình nhiều hơn, mình mới nhận ra rằng bản thân đã tạo ra rất nhiều đường thất thoát năng lượng ra bên ngoài, tự tạo ra những kết nối tiêu cực với thế giới. Và hiển nhiên mình đã rất khó có thể hòa nhập và yêu mến thế giới này. Khi những đường dẫn tiêu cực được tẩy rửa dần dần, mình mới cảm thấy sức sống của bản thân và được đón nhận những ân sủng từ cuộc đời.

“Cuộc hành trình của chúng ta là về việc gắn kết sâu sắc hơn với Cuộc sống, song ít níu bám hơn vào nó.” — Ram Dass

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta tương tác với ngoại cảnh rất nhiều, đi làm thì phải tiếp xúc nói chuyện với khách hàng, đồng nghiệp; đi đường thì phải tiếp xúc với xe cộ tiếng ồn; về nhà thì xem TV, youtube thì tiếp xúc với câu chuyện về sao nọ sao kia, người nổi tiếng này người giàu có kia, đầu óc liên tục phải lo nghĩ về lương lậu, sự nghiệp, các mối quan hệ, v.v… Có thể nói một ngày, trừ thời gian ngủ 8 tiếng, còn lại khoảng 16 tiếng thì mỗi người chúng ta dành được ra bao lâu hoàn toàn một mình, hoàn toàn sống trong sự bình an, hài lòng và thinh lặng? Nếu một người luyện tập thiền định mỗi ngày 0.5 tiếng thì so với 15.5 tiếng còn lại thì khả năng lập lại cân bằng là rất nhỏ. Việc quán tính người đó vươn mình ra thế giới bên ngoài vẫn rất kiên cố. Vì chỉ với một đường dẫn tiêu cực rất nhỏ, một khoảnh khắc vô thức, bạn đã đánh rơi rất nhiều thứ giá trị và gieo thêm một hạt mầm đau khổ. Nên có thể nói, việc tập trung vào bản thân với cường độ cao là điều tối quan trọng cho hạnh phúc của một người.

Tập trung vào bản thân không có nghĩa là ích kỷ, chỉ bo bo nghĩ đến chính mình và kiểm soát người khác, mà là luôn giữ lượng chú ý ra bên ngoài không vượt quá lượng chú ý hướng vào bên trong, luôn kiên cố nơi trung tâm trái tim. Nếu mỗi người đều neo mình vào trung tâm ấy, sự kết nối sâu sắc giữa chúng ta sẽ diễn ra tự nhiên; sự bình an và hài lòng cũng luôn đong đầy trong từng cá thể. Chúng ta sẽ chạm vào cội nguồn nhân nghĩa, chứ không phải sống bằng hình thức nhân nghĩa gượng ép và giả tạo.

Ngoài thực hành thiền, bạn có thể luyện tập dành sự chú ý cho chính mình bằng phương pháp chánh niệm, rèn luyện thể dục thể thao, gần gũi thiên nhiên, làm những gì mình đam mê yêu mến, thư giãn tận hưởng cảnh đẹp, v.v…

Nói tóm lại, thay vì quan tâm đến người khác, bạn hãy quan tâm đến chính mình. Đây là một lựa chọn mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn, và nó chính là con đường dẫn tới sự bình yên nội tại.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh: Rodolfo Sanches Carvalho

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top