1

Câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc đời bạn?

Chúng ta đều khao khát những thứ khiến bản thân cảm thấy vui vẻ. Chúng ta đều muốn sống vô tư, hạnh phúc và dễ dàng, được yêu, được lên đỉnh và đắm say trong một mối tình tuyệt đẹp, hay muốn nhìn thật bảnh, hầu bao thì rủng rỉnh, được nổi tiếng, được tôn trọng và ngưỡng mộ, thậm chí đến mức độ chúng ta ước mọi người sẽ dạt ra nhường đường để ta sải chân trong các bữa tiệc hoành tráng.

Ai cũng thích điều đó – thật dễ dàng để thích. Chắc chắn rồi.

Nếu tôi hỏi bạn, “Bạn muốn điều gì trong cuộc đời này?” và bạn sẽ trả lời kiểu như: “Tôi muốn được hạnh phúc, tôi muốn có một gia đình tuyệt vời, một công việc mình yêu thích…” – Câu trả lời này nhàm chán đến mức dường như vô nghĩa.

 

 

Một câu hỏi thú vị hơn, câu hỏi mà có lẽ bạn chưa từng nghĩ đến trước đây, rằng bạn muốn chịu đựng những nỗi đau nào trong cuộc đời mình? Bạn muốn đấu tranh vì điều gì? Đó dường như mới là yếu tố quyết định đến cuộc đời của chúng ta.

Ai cũng muốn có một công việc tuyệt vời và độc lập về tài chính – nhưng chẳng ai muốn phải chịu đựng 60 giờ làm việc một tuần, những quãng đường dài lê thê đến chỗ làm, đống giấy tờ đáng ghét, sự thăng cấp tùy tiện của một thằng khỉ gió nào đó trong công ty và cả sự gò bó nhàm chán trong những hộp vuông như địa ngục vô tận. Ai cũng muốn trở nên giàu có mà không cần phải hy sinh hay đối mặt với rủi ro, cũng không cần phải trì hoãn những thú vui nhất thời để tích lũy của cải.

Ai cũng muốn thăng hoa trong tình dục và có một mối quan hệ đắm say, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng trải qua những trận cãi vã gay gắt, những khoảng lặng khó xử, cảm giác tổn thương, những lúc thăng lúc trầm trong cảm xúc để đạt được điều đó. Và họ an phận. Họ an phận và tự hỏi “Sẽ thế nào nếu …?” hàng năm trời cho đến khi câu hỏi biến thành “Đã thế nào nếu …?” Và khi các luật sư không còn, giấy báo trợ cấp được gửi qua email, họ tự hỏi “Để làm gì vậy?” nếu không phải vì 20 năm trước tiêu chuẩn và kỳ vọng của họ quá thấp, vậy thì sao?

Bởi vì hạnh phúc đòi hỏi sự chịu đựng. Những mặt tích cực sẽ bộc lộ khi ta giải quyết các vấn đề tiêu cực. Bạn có thể né tránh những trải nghiệm tiêu cực nhưng rồi nó gầm gào quay trở lại để tìm bạn vào một ngày đẹp trời.

Trong cốt lõi hành vi của con người, chúng ta đều có những nhu cầu tương đối giống nhau. Trải nghiệm tích cực thì dễ dàng xử lý. Nhưng với những trải nghiệm tiêu cực, tất cả chúng ta đều phải vật lộn, theo đúng nghĩa đen. Bởi thế, những gì ta có trong cuộc sống không được xác định bởi những cảm xúc tốt đẹp (như ta mong muốn), mà bởi những lúc tệ hại – điều khiến chúng ta sẵn sàng chịu đựng, chiến đấu để tìm lại những giây phút tốt đẹp kia.

 

 

Bạn muốn có một hình thể tuyệt vời. Nhưng bạn sẽ không bao giờ có được trừ khi bạn đánh giá đúng về những sự đau đớn, căng thẳng về thể chất diễn ra hàng giờ liền trong các phòng tập, lúc bạn yêu công việc cân đong đo đếm từng calo bạn ăn, tỉ mẩn lên kế hoạch cuộc đời trong những khẩu phần tí xíu.

Bạn muốn bắt đầu kinh doanh riêng hoặc trở nên độc lập về tài chính. Nhưng bạn sẽ không trở thành một doanh nhân thành đạt trừ khi bạn tìm ra cách để đánh giá cao sự rủi ro, sự bấp bênh, việc lặp đi lặp lại của những thất bại, hàng giờ làm việc điên cuồng cho một thứ mà bạn không biết liệu nó sẽ thành công hay không.

Bạn muốn có một người bạn đời, một người tri kỷ. Nhưng bạn sẽ không thể thu hút một ai đó tuyệt vời mà không phải trải qua những lúc cảm xúc thay đổi thất thường như thời tiết, chất đầy những rung cảm mà không thể giải thoát, hay nhìn chằm chằm vào cái điện thoại không bao giờ đổ chuông. Đó là một phần của trò chơi tình ái. Bạn sẽ không thể thắng nếu bạn không “muốn” tham gia.

Quyết định sự thành công không phải là “Bạn muốn gì?” mà phải là: “Bạn muốn chịu đựng những nỗi đau nào?” Chất lượng cuộc sống không được xác định bởi chất lượng của những trải nghiệm tích cực mà bởi chất lượng của những trải nghiệm tiêu cực. Và khi bạn có thể đối phó với những trải nghiệm tiêu cực đó, bạn sẽ thoải mái sống tốt.

Có rất nhiều lời khuyên vớ vẩn rằng “Bạn chỉ cần thực sự muốn nó!”

Mọi người đều muốn một điều gì đó. Và mọi người đều THỰC SỰ MUỐN CÓ điều đó. Họ chỉ không nhận ra được họ muốn gì, hoặc đúng hơn là họ THỰC SỰ MUỐN GÌ.

Bởi nếu bạn muốn có những điều tốt đẹp trong cuộc đời mình, bạn sẽ phải trả giá. Nếu bạn muốn có body ngon, bạn sẽ phải đổ mồ hôi, trải qua cảm giác đau nhức, phải dậy vào sáng sớm, và chấp nhận những cơn đói cồn cào. Nếu bạn muốn có du thuyền, bạn cũng cần có những lúc phải thức đêm, bước những bước đi mạo hiểm trong kinh doanh, hay khả năng khiến một người hoặc cả ngàn người phải điêu đứng.

Nếu bạn thấy mình muốn một cái gì đó từ tháng này qua tháng khác, từ năm này sang năm khác, mà vẫn không có gì xảy ra và nửa bước đến nó bạn cũng không thể gần, thì có lẽ những gì bạn thực sự muốn chỉ là ảo tưởng, một sự lý tưởng hóa, một hình ảnh và một lời hứa giả tạo. Có lẽ những gì bạn muốn không phải là những gì bạn mong mỏi, bạn chỉ đang thưởng thức cái cảm giác được “ước ao” cái gì đó. Rồi nhận ra: bạn chẳng cần nó tí nào.

 

 

Thỉnh thoảng tôi hỏi mọi người, “Bạn chọn việc chịu đựng thế nào?” Những người này nghiêng đầu và nhìn tôi như thể tôi có mười hai cái mũi vậy. Tôi hỏi vì điều đó giúp tôi hiểu các bạn hơn cả những ham muốn và ảo tưởng bên trong bạn. Và bởi vì bạn phải chọn điều gì đó. Bạn không thể có một cuộc đời toàn màu hồng, không chút đớn đau. Cuối cùng, chính câu hỏi khó đó mới là vấn đề. Câu hỏi về niềm vui là một câu hỏi dễ dàng, hầu như tất cả chúng ta đều sẽ có chung một câu trả lời. Nhưng câu hỏi thú vị hơn đó chính là nỗi đau. Nỗi đau nào bạn muốn chịu đựng?

Câu trả lời sẽ thực sự giúp bạn đến được một nơi nào đó. Đó là câu hỏi có thể thay đổi cuộc đời bạn. Đó là những điều tạo nên tôi và bạn. Đó là những gì định nghĩa chúng ta, tạo cho chúng ta sự khác biệt và cuối cùng đưa chúng ta lại gần nhau.

Trong giai đoạn trưởng thành, tôi đã ảo tưởng bản thân sẽ trở thành một nghệ sĩ – một ngôi sao nhạc rock xuất chúng. Khi nghe bất kỳ bài hát guitar nào, tôi cũng nhắm mắt và mơ rằng mình đang ở trên sân khấu giữa cơn cuồng loạn la hét của đám đông, họ hoàn toàn mất trí với những màn “phiêu” guitar đầy ngọt ngào của tôi. Những ảo ảnh này chiếm lấy tôi hàng giờ đồng hồ liền. Và nó tiếp tục tăng lên khi tôi vào đại học, ngay cả sau khi tôi bỏ học trường nhạc và ngừng chơi đàn một cách nghiêm túc. Nhưng ngay cả lúc ấy, câu hỏi không phải là nếu – tôi – đã – được – biểu – diễn – trước – đám – đông, mà Khi Nào mới là câu hỏi chính xác tôi cần. Tôi chờ thời cơ của mình trước khi tôi đầu tư thời gian và nỗ lực để biến giấc mơ trở thành hiện thực. Trước tiên, tôi cần phải hoàn thành việc học, sau đó, tôi cần phải kiếm tiền, sau đó, tôi cần có thời gian, sau đó … và sau đó là Không – Gì – Cả.

Mặc dù tôi ảo tưởng về điều này trong hơn một nửa cuộc đời, nhưng trên thực tế điều đó đã không bao giờ đến. Ảo tưởng đó đã lấy đi của tôi một khoảng thời gian khá dài và đem đến rất nhiều những trải nghiệm tiêu cực để cuối cùng, tôi tìm ra lý do vì sao: Tôi đã chẳng thực sự muốn điều đó.

Tôi đã say đắm với “kết quả” – hình ảnh của mình trên sân khấu chơi rock đầy nhiệt huyết, được mọi người tán thưởng – nhưng tôi không yêu “quá trình”. Và do đó, tôi đã không thành công. Nhiều lần. Quỷ tha ma bắt, tôi thậm chí còn không thực sự cố gắng để nếm vị thất bại. Tôi chẳng cố gắng tí nào sất.

Vất vả tập tành hàng ngày, nhọc công gom được một nhóm và tập luyện, khổ sở tìm kiếm những buổi diễn, cất công lôi kéo khán giả đến để rồi trình diễn một đống thứ rõ vớ vẩn. Đứt dây đàn, bay ống âm li, kéo lê gần 18 cân thiết bị đến và đi bộ tới chỗ tập mà không có xe. Giấc mơ quả thật là một ngọn núi mà bạn phải leo cao hàng dặm mới lên tới đỉnh. Biết không? Tôi đã mất rất nhiều thời gian để khám phá ra rằng mình không thích leo trèo. Tôi chỉ thích tưởng tượng mình đang ở trên đỉnh cao mà thôi.

Nền văn hoá đất Mỹ cho tôi biết rằng, bằng cách nào đó tôi đã ngã vố đau, rằng tôi là kẻ bỏ cuộc, thằng – thất – bại. Các bạn Self – Help nói rằng tôi chưa đủ can đảm, không thực sự xác định hoặc tôi chẳng biết cách tin vào bản thân mình. Còn đội Khởi Nghiệp/Kinh Doanh sẽ bảo với tôi rằng: tôi đã phá vỡ giấc mơ gà nhép của chính mình và trao đổi nó lấy những điều kiện thông thường của xã hội. Họ đều quả quyết yêu cầu tôi nên tham gia vào một nhóm xuất – chúng nào đó hay liệt kê ra danh sách một cái gì đó linh tinh.

Nhưng sự thật thì kém thú vị hơn nhiều: Tôi đã nghĩ rằng mình muốn một cái gì đó, nhưng hóa ra lại không phải vậy. Hết chuyện.

Tôi muốn phần thưởng mà không muốn bản thân phải nỗ lực. Tôi muốn có được kết quả nhưng từ chối quá trình thực hiện. Tôi chỉ muốn thưởng thức chiến thắng nhưng “không thèm” tranh đấu. Và đời tất nhiên là không như mơ.

“Bạn – là – ai” được định nghĩa bởi những giá trị mà bạn sẵn sàng đấu tranh để giành lấy. Những người nỗ lực tập gym là những người có hình thể đẹp. Những người ham thích công việc và am hiểu đường binh nước bước trong các đoàn thể, công ty chính là những người leo lên nấc thang danh vọng. Những nghệ sĩ có thể chịu đựng được lối sống nơi mà những cơn stress, sự bấp bênh nay đây mai đó, và bữa no bữa đói hiển hiện trước mắt cuối cùng lại là những người sống được – và làm được.

Đây không phải là một lời hiệu triệu cho ý chí hay sự gan lỳ. Đây cũng không phải là một lời khuyên khác kiểu kiểu có công mài sắt có ngày nên kim.

Đây chỉ là thành phần đơn giản và cơ bản nhất của cuộc sống: Sức “Chịu Đựng” định sự thành bại. Vì vậy, hãy chọn lựa “Chịu Đựng” một cách khôn ngoan, bạn tôi ạ.

*Bài báo này trích dẫn từ cuốn sách của tôi, The Subtle Art of Not Giving a Fuck: A Counterintuitive Guide to Living A Good Life.*

By Mark Manson

Dịch: Southern Rain
Sưu tầm: BeP

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top