Những bộ phim phát hành 2016 đã bắt đầu được tung ra. Dưới đây là danh sách 10 bộ phim hay nhất của năm 2015 do tôi lựa chọn. Là quan điểm cá nhân và những đánh giá chủ quan, nên tất nhiên danh sách chỉ mang tính chất tham khảo, đồng thời, nó cũng giúp cho tôi có thể giới thiệu một cách đại khái điện ảnh thế giới trong năm 2015, ở những nền điện ảnh khác nhau trên thế giới tới các bạn. 10 phim là con số không nhiều, điều đó khiến cho rất nhiều phim hay tôi phải loại khỏi danh sách như Ex Machina của Alex Garland, The Assassin của đạo diễn Đài Loan Hầu Hiếu Hiền, 45 Years của Andrew Haigh … và nhiều phim khác.
Sau đây là danh sách 10 phim hay nhất năm 2015.
10. Youth (Paolo Sorrentino, Ý)
Đạo diễn Paolo Sorrentino với chiếc camera của mình, lướt qua giữa sự an bình và phù du như bóng ma, để ghi lại mọi thứ xoay quanh hai ông già. Những khung hình dù tĩnh dù động, những phân cảnh lạc loài, nhưng dường như không có khung hình nào thừa, không có một ý niệm nào bị bỏ xót, để từ đó ta nhìn thấy sự tương phản, một cô gái trẻ chuyên massage cho Fred thể hiện một sức trẻ tuyệt đối, một ông già Fred điều khiển bản nhạc của tự nhiên, già nua và chỉ còn lại một hình bóng xa vắng của đam mê và tình yêu… mỗi nhân vật tự tiết lộ mình, bộ phim mang dáng vẻ phù sinh và trôi nổi, một nỗi buồn day dứt giữa sống làm người và chết.
Từ The Great Beauty cho đến Youth, dường như đạo diễn Paolo Sorrentino đã định vị cho mình một phong cách làm phim về những người đàn ông ở độ tuổi xế chiều. Mà từ đó, như một ẩn dụ hoàn hảo cho tuổi trẻ, tuổi già mang đến một vẻ đẹp duy mỹ nhàm chán, và một thế giới chậm, chắc chắn, nhưng đôi khi quả thực vô cùng phù phiếm. The Great Beauty là sự tối cao của phù phiếm, còn Youth là sự phù phiếm bọc ngoài những thân thể, đã dần dần đi đến gần nấm mộ của mình, mà ở đó, người ta cứ hoài niệm mãi về quá khứ đã qua, cũng như về khả năng đã cạn kiệt nhưng không thể chấp nhận sự thay đổi của cuộc đời.
9. A Girl Walks Home Alone at Night (Ana Lily Amirpour, Iran)
Chọn chủ đề Ma Cà Rồng của văn hoá phương Tây để truyền tải thông điệp về xã hội Iran ở thời điểm hiện tại, bộ phim The Girl Who Walk Home Alone At Night của nữ đạo diễn Ana Lily Amirpour , một lần nữa chứng tỏ rằng, điện ảnh Iran luôn là một điểm sáng của điện ảnh châu Á nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung.
Ma cà rồng là một biểu tượng của văn hóa đại chúng phương Tây suốt nhiều thế kỷ. Nó chứa đựng những ẩn dụ về dục vọng, cô đơn của loài người, của tuổi trẻ. Tác phẩm có những cảnh quay ma mị dùng hai tông màu đen và trắng vừa tạo cảm giác sợ hãi, vừa mê hoặc khán giả bằng chính sự cô đơn như thể đó là nơi tận cùng thế giới, nơi con người tách xa khỏi thế giới hiện đại bên ngoài. Để từ đó, nó ẩn chứa thông điệp về một cuộc sống mà phụ nữ bị áp bức, đè nén trong xã hội Iran. Và hình ảnh cô gái Ma Cà Rồng trong phim chính là biểu tượng của sự vươn lên của phụ nữ hòng tự giải thoát cho mình khỏi bi kịch là cái bóng của xã hội đàn ông.
8. Mad Max: Fury Road (George Miller, Úc)
Mad Max: Fury Road nhận được những tràng pháo tay giòn giã của thế giới điện ảnh. Giới phê bình, lẫn người hâm mộ đều dành cho bộ phim những lời có cánh. Quả vậy, ở tuổi 70, George Miller đã làm sống lại một trong những nhân vật đã từng là biểu tượng của màn ảnh hành động thập niên 80, Mad Max. Max không chỉ sống lại, thế giới của Max không chỉ quay lại, mà George Miller đã mang đến cho điện ảnh một trong những bộ phim hành động bom tấn hấp dẫn nhất trong cả thập kỉ gần đây.
Tôi không do dự khi nói rằng đây là phim hành động của thập kỉ, hay thậm chí là một trong những phim hành động hay nhất mà điện ảnh mang lại. Khi mà thế giới phim bom tấn của Hollywood đang trở nên sáo mòn về kịch bản, lạm dụng CGI như sự lười biếng, và bày ra rất nhiều chiêu trò để câu kéo khán giả thì Mad Max đã quay lại thật đúng lúc. Nó không chỉ là một bộ phim giải trí, nó là lời nói đanh thép dành cho tất cả những phim hành động sắp tới về sự chỉn chu, sáng tạo, và không phải vì phim giải trí nên chỉ cần làm để giải trí. Nó cần có chất điện ảnh, tố chất để một bộ phim sống được cùng thời gian. Tôi đã đi xem 2 lần liên tiếp trong hai ngày, như thể một kẻ khát khô khi lang thang nhiều ngày trong sa mạc và bắt gặp được một cái giếng nước trong mát. Mad Max chính là giếng nước trong mát trong sa mạc của tất cả những phim hành động thường thường nhiều năm qua.
Review đầy đủ ở đây.
7. The Duke of Burgundy (Peter Strickland, Anh)
Tình yêu có nhiều khuôn dạng. Có những tình yêu đầy đam mê và dục vọng như hai cô gái trong Blue is the warmest color, có những tình yêu đầy sự che chở và bảo vệ như trong phim Carol, cũng có những tình yêu như hai người phụ nữ trong bộ phim The Duke of Burgundy, tình yêu của sự chấp nhận và sẵn sàng hy sinh vì người mình yêu.
Mở đầu bằng sự thơ mộng và lãng mạn, một người phụ nữ (Evelyn) đạp xe trên vùng quê tuyệt đẹp. Khuôn mặt tươi và hạnh phúc, ngây thơ và hiền lành. Cô đến giúp việc cho một quý bà giàu có Cynthia, dường như nhà vậy. Mở đầu bằng lời trách cô đến muộn, rồi liên tiếp những tình huống cho ta thấy một bà chủ nhà khó tính, và kênh kiệu. Còn cô gái, cứ đi làm theo, chấp nhận lời mắng nhiếc như thể đó là điều thường xuyên xảy ra, là điều cô phải nghe thấy hàng ngày trong công việc hàng ngày. Cho đến khi, ta mới vỡ lẽ ra sự thật.
Họ đang đóng vai, họ đang diễn trong chính ngôi nhà tình ái của họ. Họ là những người tình của nhau. Họ yêu nhau trong một khuôn dạng kì lạ, vì Evelyn ưa thích bị bạo hành, cô cần bị bạo hành, bị mắng chửi để đạt được khoái cảm. Cynthia chấp nhận điều đó, cô đóng vai một bà chủ độc ác để thoải mãn người tình của mình.
Cứ vậy, bộ phim của đạo diễn Peter Strickland bằng sự tinh tế trong kịch bản do chính ông viết, đã đưa ta vào một căn phòng kín của tình yêu, nơi mà hai người tình, họ yêu, và họ cố gắng chấp nhận nhau để thứ tình yêu đó thăng hoa và luôn luôn được cân bằng như thế nào?
Bộ phim là một tác phẩm điện ảnh giàu chất nghệ thuật, những hình ảnh tuyệt đẹp mang sắc thái của một xứ sở nào đó bên ngoài loài người, nơi những người phụ nữ sống trong thế giới của họ, một thứ bình yên đầy diễm tình. Ở đó, hai người phụ nữ yêu nhau, bằng những chi tiết được được tả một cách gián tiếp, cận cảnh và chậm rãi, như một sự ám thị về nhưng đam mê bất tận mà tình yêu mang lại. Từ đó, một cách từ tốn, đạo diễn dần dần đẩy câu chuyện lên cao trào để ta thấu hiệu được cái cách yêu của mỗi người phụ nữ, khiến cho họ, Evelyn và Cynthia chợt hoà hợp với nhau một cách hoàn hảo. Vì ở đó, giữa họ, là sự chấp nhận và thấu hiểu nhau. Để một người sẵn sàng nhường bước trước người kia, như trong một điệu nhảy, khiến họ thành một cặp đôi có dáng nhảy đẹp kì lạ, như thể thế giới này, chỉ có họ với nhau mà thôi.
6. Creed (Ryan Coogler, Mỹ)
Creed là câu chuyện kế thừa di sản của chuỗi phim về tay đấm bốc huyền thoại hư cấu Rocky Balboa, người lần đầu tiên ra mắt khán giả vào năm 1976 trong bộ phim Rocky. Sau 4 thập kỉ thượng đài, với khá nhiều phần phim liên tiếp nhau, Rocky đã già, ở bên kia của đỉnh cao sự nghiệp, ông mở nhà hàng, sống 1 mình, lánh xa ánh đèn flash và vinh quanh đã vùi về quá khứ xa.
Nhìn lại chặng đường của rất nhiều tập phim đã có về Rocky Balboa, đặc biệt là tập phim đầu tiên, đấm bốc được miêu tả không chỉ ở khía cạnh những trận so găng định cao, mà còn đằng sau đó là cay đắng và cuộc sống thường nhật, khó khăn, sự cố gắng vượt qua chính mình ở những lúc suy sụp nhất. Chính vì vậy, mà đấm bốc mà tiêu biểu là loạt phim về Rocky có sức quyến rũ kì lạ, ở đó tính đàn ông được đẩy lên ở mức độ cao nhất của giận dữ và dịu dàng, sự vô cảm trên sàn đấu dành cho đối thủ và sự yêu thương chân thành dành cho người vợ, người tình. Thử nhìn vào Rocky của năm 1976, một gã đàn ông ngờ nghệch, bị mỉa mai cười cợt, anh chẳng biết gì ngoài đấm bốc, cho đến một ngày anh biết yêu, một mối tình đẹp vô cùng, tôi luôn tin đó là một trong những mối tình đẹp nhất của điện ảnh.
Creed thừa hưởng một di sản như vậy, di sản từ gã “ngựa hoang người Ý”. Ở Creed ta vừa thấy sự cách tân cho phù hợp với thế giới hiện đại, vừa là một con người rất cũ của thế hệ trước, một sự chuyển giao thú vị, cân bằng giữa thế hệ trẻ và thế hệ già, giữa vinh quanh quá khứ và vinh quang hiện tại. Trong Creed không phải là sự khoe mẽ bằng những trận thắng, mà sự đấu tranh của một cá nhân muốn thoát khỏi cái bóng của người cha trong quá khứ, để tự gây dựng cho sự nghiệp của mình của Adonis Creed, đứa con trai của huyền thoại quyền anh Apollo Creed, người từng thượng đài nhiều lần với Rocky Balboa. Như tri ân đối thủ đầy duyên nợ với mình, Rocky đã nhận huấn luyện cho Creed, kẻ luôn bị ám ảnh về hào quang của cha, và tự ti về thành công của chính mình.
Và ở đó, cũng là sự đấu tranh của Rocky đang mang trong mình bệnh tật để chiến thắng số phận, cũng như để tiếp lửa cho thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị cuộc sống, sự chiến đấu, và tinh thần vượt qua những giới hạn của chính mình để chiến thắng.
5. The Lobster (Yorgos Lanthimos, Hy Lạp)
The Lobster có lẽ là một trong những bộ phim có kịch bản thú vị và ấn tượng nhất 2015, bởi tính chất châm biếm của nó đối với xã hội loài người ở một thế giới giả tưởng. Trong thế giới giả tưởng đó. Cuộc sống của con người nơi thành thị không chấp nhận những người độc thân. Họ bắt buộc phải có bạn đồng hành để được trọn vẹn kiếp người. Nếu không, vì một lý do nào đó mà bạn chỉ còn lại một mình, bạn sẽ được đưa đến một khách sạn, nơi bạn phải tìm kiếm cho mình một người đồng hành trong vòng một giới hạn ngày nhất định, nếu không bạn sẽ bị biến thành một loài động vật nào đó mà bạn chọn. Tất nhiên, trong thế giới đó, có những kẻ chạy chốn khỏi kiếp làm động vật, họ sống trong rừng, chui lủi và độc thân. Họ cũng có luật lệ của mình, họ cấm tất cả mọi người không được phép yêu nhau.
Bộ phim có một thái độ trào phúng đối với sự giả dối, khi người ta sống bên nhau không vì tình yêu mà chỉ vì để xã hội nhìn vào, và chấp nhận. Về phía ngược lại, nó đề cao sự đồng điệu của tâm hồn, mà ở đó, hai người yêu nhau ở trong thế giới của riêng mình, thế giới không ai có thể xâm phạm. David và một người phụ nữ bị cận thị đã tìm thấy nhau như vậy. Họ đồng cảm và thấu hiệu, họ cần nhau để dựa vào trong một thế giới đầy rẫy nguy hiểm và kì lạ. Có lẽ Colin Farrel đã có cho mình một trong những vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp của anh, để người ta nhớ về, người ta tin rằng, anh thực sự là một diễn viên đầy tài năng như người bạn diễn Rachel Weisz của mình.
4. Tangerine (Sean Paker, Mỹ)
Nếu The Danish Girl mượt mà bóng bảy và cầu kì sang trọng bao nhiêu thì Tangerine của đạo diễn Sean Paker lại đời thường, đơn giản bấy nhiêu. Một bộ phim vô cùng thú vị và tràn đầy sinh lực. Nó vừa vô duyên vừa có duyên, vừa đáng yêu, vừa đáng ghét, vừa đáng thương vừa đáng hận, vừa xấu xí và vừa đẹp đẽ. Nó là tổng hoà của một bản phối mà trong đó người nghệ sĩ táo bạo dám phối trộn cả cổ điển vào trong một bản nhạc đường phố, và dư âm của người nghe là một thứ cảm xúc hỗn độn, và đầy căng của những điều đối nghịch.
Hai nhân vật chính là hai cô bạn gái thân thiết (cả hai đều chuyển giới và làm nghề mại dâm). Một cô vừa ra tù, nghe cô bạn thân thiết lộ là có tin đồn thằng người yêu có bồ khác. Vậy là cô nàng mới ra tù điên tiết lên, làm một hành trình dài từ đầu phim đi tìm cho được bồ của người yêu để “xé xác”. Rất hài hước, và kì. Nhưng họ cũng đáng thương cảm, và đáng ngưỡng mộ, đó là sự chân thành của bạn bè, đó là sự luôn luôn nhìn vào mặt tích cực để sống trong một kiếp sống có vẻ rất mệt mỏi, hay là sự chấp nhận của người vợ đối với người chồng đồng tính như bản chất của anh ta là vậy không thể thay đổi được.
Tangerine là một trong những tác phẩm xuất sắc của điện ảnh độc lập Mỹ năm 2015.
3. The Hateful Eight (Quentin Tarantino, Mỹ)
Phim thứ 8 của Quentin Tarantino, một bộ phim đậm chất của Tarantino, từ nhạc phim, câu chuyện, nhân vật và lời thoại. Đặc biệt là lời thoại, Quentin Tarantino luôn rất xuất sắc trong việc xây dựng thoại cho nhân vật, vừa hài hước, vừa mang đậm dấu ấn Mỹ, vừa ấn tượng và vừa hấp dẫn. Ông đã và đang chứng tỏ rằng, mình là một trong những đạo diễn dám động chạm đến những chủ đề nhạy cảm giễu cợt bạo lực và phân biệt chủng tộc.
Làm nền cho câu chuyện là một trận bão tuyết lớn, vì lẽ đó những dự tính của 8 nhân vật trong bộ phim bị sai lệch, họ bao gồm những kẻ săn tiền thưởng, và những kẻ du đãng, tìm cách cứu một thành viên đang bị một kẻ săn tiền thưởng bắt giữ, và tình cờ có thêm một cảnh sát trưởng sắp nhận nhiệm vụ, cùng một vị tướng già từng tham gia vào cuộc nội chiến Mỹ. Từ đó xung đột và những bất ngờ liên tiếp xảy ra, bằng cách kể chuyện vô cùng thông minh bằng máy quay và những câu thoại hài hước đậm đặc giọng nói của những người dân ở miền Tây nước Mỹ, đạo diễn đưa ta vào một tình huống éo le, trái khuấy, kinh dị, đáng kinh ngạc. Kịch tính liên tiếp được đẩy cao, để rồi vỡ oà bằng bạo lực, thứ bạo lực đầy chất điện ảnh hạng B không khiến khán giả sợ, mà chỉ mang lại sự giải trí tuyệt vời.
Quentin Tarantino quả không hổ danh là một kẻ nghiền điện ảnh, một người biết đưa điện ảnh mà ông yêu thích vào phim của mình để tạo nên một thứ điện ảnh mang đậm chất giải trí, thư giản, nhưng không thiếu phần kịch tính, kích thích cao độ sự say mê của khán giả. The Hateful Eight, một lần nữa, khiến ta thấy tiếc nuối cho dự định dừng lại ở 10 phim của ông, như ông đã nhiều lần tuyên bố, ông sẽ dừng lại ở con số 10 trong sự nghiệp làm đạo diễn của mình.
2. A Pigeon Sat on a Branch Reflecting on Existence (Roy Anderson, Thuỵ Điển)
Phim cuối cùng trong bộ ba phim về “tình cảnh làm Người” của Roy Anderson, đạo diễn người Thuỵ Điển. Bộ phim cuốn hút ngay từ cái tên dài kì lạ, giống như một bản post rock phản ánh về chủ nghĩa hiện ảnh, chiêm nghiệm về sự tồn tại trong kiếp làm người.
Bộ phim không có câu chuyện cụ thể, nó giống như những mảnh ghép vô cùng rời rạc được lắp vào nhau không theo một chủ địch. Ở đó, ta bám lấy hình ảnh hai ông già rao bán những món đồ chơi mới. Những hình ảnh giới thiệu sản phẩm lặp đi lặp lại. Trong đó, một cảnh cực kì ấn tượng, đầy tương phản và nghịch lý. Hai người đàn ông muốn bán những thứ giúp người khác vui cười, nhưng khi một người phụ nữ chợt tình cờ nhìn thấy, thì sợ phát khiếp, thét lên và chạy mất. Hai ông già đờ đẫn, vô cảm. Cả bộ phim là sự vô cảm trong một sắc thái kì lạ của bối cảnh, được thiết kế đặc biệt ấn tượng.
Không có câu chuyện, lại chậm rãi, những nhân vật già và có vẻ rất nhàm chán, ấy vậy mà phim không khiến ta chán, nó lại khiến ta thích thú và dõi theo, vì nó kì lạ, độc đáo, có một không hai, chỉ có thể là của Roy Anderson như một dấu ấn không thể nào tìm thấy ở bất kì đạo diễn khác. Bộ phim mang đầy nghịch lý, sự giễu nhại và cả chất siêu thực. Không gian đôi khi bị trộn lẫn khiến ta mơ hồ nghi hoặc thời điểm thực của cảnh tượng đang diễn ra.
1. Son of Saul (László Nemes, Hungary)
Là một phim về nạn diệt chủng của phát xít Đức, nhưng Son of Saul – bộ phim đầu tay của đạo diễn người Hungary László Nemes lại mang một dáng vẻ hoàn toàn khác. Đó là cách đạo diễn dùng cái nền tội ác để kể một câu chuyện đầy tình người, đầy những phẩm chất quý giá mà nhờ chúng loài người có thể sống sót ở nơi địa ngục trần gian như những trại tập trung của Đức thời kì thế chiến II. Dùng góc máy hẹp để làm mờ hậu cảnh, máy quay theo sát nhân vật chính, trên hành trình đi tìm một vị cha xứ của đạo Do Thái, một người có khả năng đọc kinh cầu hồn cho đứa con trai, mà nhân vật chính chợt tình cờ phát hiện ra trong khi thu dọn đống xác chết ở trong phòng hơi ngạt.
Sự thể hiện trực tiếp hình ảnh những xác chết trần truồng nằm la liệt, chồng đè lên nhau, nhưng cảm giác kinh hoàng luôn luôn hiện hữu, trong phim, trên khuôn mặt những người sống, như thể địa ngục cũng chỉ đến thế này thôi. Để từ đó, ở nơi mà người ta phải cố gắng tìm mọi cách sống xót, một người cha đối diện với chính lương tâm của mình để phải chọn lựa, hoặc là làm tròn bổn phận làm người, làm cha, lo chu toàn cho đứa con trai và như vậy có thể sẽ gây nguy hiểm cho những người cùng bị bắt với mình, hoặc lờ đi, tiếp tục làm công việc thu dọn xác chết của mình để mang đi thiêu huỷ chúng.
Bộ phim tràn đầy năng lượng, gấp gáp và lôi cuốn. Với khả năng diễn xuất tuyệt vời của Géza Röhrigtrong vai Saul, khán giả đã hoàn toàn có thể thấu hiểu được nơi tận cùng thế giới, và ở đó, con người ở khía cạnh nào đó luôn có thể lựa chọn giữa Sống và Sinh Tồn.