(1429 chữ, 6 phút đọc)
Lần đầu tiên xem I am Sam là khi tôi còn học cấp Hai. Đến những khúc cuối phim tôi khóc không sao kìm được nước mắt. Từ đó đến nay cũng hơn chục năm, tôi mới xem lại nó và những sự xúc động dâng trào mãnh liệt hơn trước kia rất nhiều. Có thể do lần này, tôi để ý và cảm nhận được nhiều hơn những chi tiết mà hồi nhỏ không dễ dàng nắm bắt.
Nội dung phim kể về quá trình đấu tranh một người cha mắc chứng tự kỷ và thiểu năng trí tuệ tên là Sam (Sean Penn thủ vai) để giành quyền nuôi con gái 7 tuổi – Lucy Diamond Dawson (Dakota Fanning thủ vai). Sam làm phục vụ bàn tại một quán cà phê Starbucks với mức lương 8$/1 giờ. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn với sự giới hạn trí tuệ của anh và càng trở nên khó khăn hơn khi anh phải vào vai gà trống nuôi con. Nhưng vấn đề được đẩy lên đến đỉnh điểm khi người ta bắt đầu nghi ngờ về khả năng nuôi con của ông bố Sam vì cô bé Lucy bước sang tuổi thứ 8 và thể hiện sự thông minh vượt trội hơn bố của mình cùng những nhu cầu phát triển trí tuệ, khám phá thế giới mà Sam không đủ khả năng để xử lý.
Dù Sam thương yêu con gái hết mực, dành thời gian rất nhiều để chăm sóc con, có thể nói là hơn nhiều những bậc phụ huynh khác nhưng giới hạn trí tuệ và khả năng tài chính lại là thứ chống lại anh được ở bên cô bé. Mối quan hệ của Sam và con gái được đặt tương phản với mối quan hệ của luật sư Rita và con trai. Cô Rita có đầy đủ trí tuệ, tiền bạc nhưng không có đủ sự chú ý, săn sóc mà cậu bé cần từ một người mẹ, và sự rạn nứt trong mối quan hệ mẹ con làm cô phiền não.
Bộ phim rất khéo léo khi đặt hai cặp đôi bố con, mẹ con này cạnh nhau với hai hoàn cảnh đối lập nhưng cùng chung một nỗi đau khổ – chia cắt với người thân yêu. Từ đó tác phẩm điện ảnh này như muốn đặt câu hỏi cho người xem điều gì là thật sự quan trọng trong đời sống của một người: Sự đủ đầy về vật chất hay viên mãn về tinh thần?
Có rất nhiều những chi tiết trong phim làm trái tim tôi tan chảy, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là cảnh Sam chạm tay vào gương mặt của con gái qua màn hình và lúc đó, cô bé nói:
“All you need is love.” (Câu nói này cũng gợi nhắc đến bài hát bất hủ All you need is love của The Beatles)
Đó là một khoảnh khắc đồng nhịp của hai tâm hồn, dù đang không ở bên cạnh nhau nhưng trái tim vẫn hướng về nhau với tất cả những dịu dàng. Có lẽ, tình yêu là nội dung được phản ánh mãnh liệt nhất trong bộ phim này. Nó là thứ sức mạnh khổng lồ làm lay động lòng người, khiến tất cả những sự giới hạn không còn ý nghĩa và khiến một kẻ bất toàn có thể làm những điều vượt ngoài khả năng của chính mình.
Nói về diễn xuất của các diễn viên thì tôi không thể chê được bất kỳ ai trong bộ phim này. Nhưng đáng chú ý hơn cả là Sean Penn trong vai Sam và Dakota Fanning trong vai cô bé Lucy. Cá nhân tôi đánh giá mức độ phức tạp trong việc thể hiện nhân vật Sam lớn hơn nhân vật Forrest Gump vì Sean Penn ngoài giọng nói đứt quãng, lè nhè thì anh cần đảm bảo liên tục một gương mặt đờ đẫn, thất thần, ngớ ngẩn với các cơ miệng dường như mất kiểm soát, chiếc lưỡi luôn có xu hướng kéo vào trong, đấy là còn chưa kể đến sự co rút của các ngón tay và dáng đi không vững chãi đâm bổ về phía trước. Sam rơi vào đa dạng trạng thái xúc cảm và có nhiều lời thoại trực tiếp hơn so với Forrest Gump. Nhìn Sam, tôi cũng nhớ đến nhân vật Arnie Grape là một cậu bé thiểu năng trí tuệ do Leonardo DiCaprio thủ vai trong phim What’s Eating Gilbert Grape. Tôi cũng rất ngưỡng mộ Leo trong vai diễn này.
Còn Dakota Fanning dường như sinh ra để vào vai Lucy – một cô bé mới bảy tuổi nhưng đã có những suy nghĩ “già đời.” Với đôi mắt biết nói của mình, Dakota Fanning đã diễn đạt rất xuất sắc nét tinh nhạy sắc sảo chứa muôn vàn câu hỏi trong tâm trí của Lucy. Ánh mắt đó cũng thể hiện sự trưởng thành vượt lứa tuổi của cô bé, đồng thời là sự trầm tư sâu thẳm khi mình và bố lâm vào những khúc đoạn khó khăn của cuộc sống. Khi nhìn vào đôi mắt xanh biếc ấy, người ta sẽ không muốn đó là ánh nhìn của một đứa trẻ, vì nó thiếu vắng lớn lao những sự hồn nhiên vô tư của lứa tuổi măng non. Và điều gì đã lấy đi sự ngây thơ đó nếu không phải là những tổn thương trong tâm hồn.
Sam: You’ve grown.
Lucy: Have I?
Sam: Yeah, ’cause your ears are bigger and your eyes are older.
Tên của cô bé được người cha đặt cho lúc mới lọt lòng và được lấy cảm hứng từ bài hát Lucy In the Sky With Dimonds của The Beatles. Toàn bộ nhạc phim của I am Sam đều là các bản cover những ca khúc của nhóm nhạc huyền thoại này. Ai quen thuộc với âm nhạc của The Beatles khi xem phim sẽ càng có thêm nhiều xúc cảm bởi các câu hát được lựa chọn rất ăn khớp với tâm trạng của các nhân vật. Ngoài ra, bộ phim I am Sam cũng có những lời thoại và cảnh quay gợi nhớ đến những dấu ấn kinh điển của thời đại. Cụ thể là những bức hình John Lennon treo đầy trong nhà Sam; và đoạn Sam cùng con gái và những người bạn cầm những trái bóng bay đi qua đường tái hiện lại bìa album Abbey Road phát hành năm 1969. Việc lồng ghép nội dung phim với ký ức về nhóm nhạc huyền thoại The Beatles khiến cho bộ phim này trở nên càng sâu lắng, thổn thức.
Cùng là những tác phẩm có nhân vật chính chậm phát triển trí tuệ, trong khi phim Forrest Gump mang sắc thái mỉa mai, hài hước với hình tượng chàng Gump ngốc nghếch, vô tư, thì I am Sam thể hiện sự đối nghịch trong nhân vật Sam trầm tư, u buồn. Người ta bật cười với Forrest Gump bao nhiêu thì rơi lệ với Sam nhiều bấy nhiêu.
Điều đáng chú ý trong phim I am Sam đó là lời thoại của nhân vật Sam và những người bạn thiểu năng của mình. Họ sử sụng cách nói hình ảnh hoặc sử dụng câu chuyện đã từng biết mang tính chất tương đồng với ý tưởng muốn diễn đạt để giao tiếp. Nên có thể người xem cho rằng các nhân vật quá thông thái so với mức trí tuệ của mình vì dường như họ đang nói ẩn dụ hay triết lý cao siêu gì đó. Nhưng tôi lại cho rằng lối nó đó bắt nguồn từ cách tư duy trẻ em – hoàn toàn ăn khớp với sự “chậm phát triển trí tuệ” của các nhân vật trong phim.
Bên cạnh nội dung về tình cảm gia đình, trách nhiệm lớn lao của các bậc làm cha làm mẹ, I am Sam cũng thể hiện những ý tưởng về lòng trắc ẩn, sự cảm thông, sẻ chia với những người khuyết tật trong xã hội. Nói chung, đây là một bộ phim rất đáng thưởng thức. Nếu có ai đó nói nó thao túng cảm xúc của người xem quá nhiều hay làm trầm trọng hóa một vấn đề không đến mức quan trọng thì tôi cho rằng nên nhìn I am Sam ở góc độ nghệ thuật hay các phép ẩn dụ thì sẽ thấy dễ chịu hơn. 8.5/10 là điểm dành cho bộ phim giàu xúc cảm này.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: Sadie Pices
📌 Mời và các tác giả một ly cafe ➡️
📌 , bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️