10-3

Yohji Yamamoto – Samurai không thoát khỏi cây kiếm của mình

Trong thế giới thời trang, ra ngõ là gặp người Nhật. Từ thợ may suit đỉnh cao như Kotaro Miyahira nhà  Sartoria Corcos, Takahiro Osaki nhà Liverano & Liverano đến những tay thiết kế thời trang quái kiệt theo trường phái avant-garde như Issey Miyake và Yohji Yamamoto. Điều lạ kỳ là thanh niên thì theo nghiệp chỉn chu còn các ông già thì theo nghiệp bay bướm. Có gì liên quan đến tinh cần học trước sáng tạo sau ở đây không?

Nhưng tóm lại, người Nhật là những samurai luôn hướng ra thế giới để học hỏi, sau cùng về đọ kiếm với nhau.

Nhân vật chính của chúng ta ngày hôm nay là Yohji Yamamoto, cha đẻ nổi tiếng của mẫu giày Y3 và Y-3 Qasa thiết kế cho Adidas.

Đương nhiên Yohji là một người tài năng và rất đáng học hỏi, nhưng tôi muốn nói rằng đừng quan tâm nhiều đến các phát ngôn của ông, hoặc chí ít là những phát biểu được cho là của ông mà các tạp chí thời trang tung hê trên ấn phẩm của họ.

Yohji là một người khao khát sáng tạo, đến nỗi đôi khi ông muốn thanh tẩy và chối bỏ bản thân mình của chính ngày hôm qua. Hoặc đôi khi ông cũng chạy theo phục vụ thị hiếu số đông. Nói chung thiết kế ngày hôm nay của ông rất có thể quay ngoắt 180 độ điều ông vừa trả lời phỏng vấn hôm trước.

“Vâng, tôi sinh ra tại Nhật Bản, nhưng họ không biết rằng tôi sinh ra giữa những tàn tích tạo nên bởi bom đạn của Mỹ. Tôi lớn lên mà không hề có truyền thống Nhật Bản xung quanh, vì thế tôi không hề có chất Nhật Bản trong mình… Ngày hôm đó, sau show diễn, khi báo chí viết về tôi, họ dùng từ ‘Người Nhật’ hay ‘Nhà thiết kế Nhật Bản’ để miêu tả tôi. Điều đó khiến tôi phiền chán. Ví dụ, về phần miêu tả một nhà thiết đến từ Bỉ, họ đâu có viết ‘người Bỉ’ kèm theo.” – ông đã từng bộc bạch như thế.

Tâm sự của ông nghe rất đỗi ai oán, nhưng hãy nhìn lại xem, những chiếc áo trong cổ chéo, những chiếc áo cánh khoác ngoài, những chiếc quần rộng rãi tung bay theo mỗi bước đi này sao mà giống Haori và Hakama đến thế. Chẳng phải bỗng dưng người ta gọi đôi giày Y-3 Qasa là giày ninja, thật khó tin rằng nó ra đời mà không có chút cảm hứng Nhật Bản nào của đôi guốc gỗ Geta và đôi giày cao cổ chẽ ngón Jika-tabi.

“Thời trang nam giới mà quá thiên về chi tiết thì thật đáng ghét! Tôi là một người nhỏ con và trông vô cùng ngu ngốc trong những bộ suit may đo tỉ mỉ. Tôi thích được mặc rộng rãi thoải mái với vai áo buông thõng một cách luộm thuộm. Tôi ước gì không tồn tại bất cứ một quy chuẩn nào mà người ta vẫn gọi là size trong trang phục.” – ông nói.

Thực tế Yohji Yamamoto chuyên trị mặc bộ đồ theo phong cách đồng phục nam sinh Nhật thời Tây hóa – với chiếc cổ tròn và hàng cúc chỉn chu. Đã gọi là đồng phục thì tức phải dựng form vừa vặn với cơ thể và đương nhiên không hề luộm thuộm chút nào, nếu có gì luộm thuộm thì chỉ là sự cố tình của chiếc mũ fedora nhàu, mảnh khăn hờ hững và chút bụi bặm dàn dựng trên áo quần mà thôi.

Chính ông cũng đã thừa nhận về niềm đam mê đồng phục này của mình như sau :

“Màu sắc ư? Có quá nhiều thứ vây lấy màu sắc. Tôi thích đen, trắng, xám và xanh navy. Giống như kiểu “đồng phục” vậy.”

Lại nói về màu sắc. Yohji thường được gọi là một người “all black”. Trang phục ông mặc, các bộ sưu tập, các thiết kế hợp tác với thương hiệu khác của ông phần lớn là mang tông đen. Nhưng ông có lẽ cũng không thể chịu đựng được nếu cả đời chỉ toàn đen và đen. Lúc đầu ông giữ vững thương hiệu đen cho nam giới, và xả stress đủ mọi sắc độ cho phái nữ. Nhưng sau rốt ông cũng đã mở rộng đội quân khách hàng hơn với những thiết kế tươi tắn cho phái mạnh.

Đương nhiên nói đi cũng phải nói lại, Yohji vẫn đủ gàn để không bị “thương mại hóa”.

50.000 đôi giày được đánh dấu bằng ba sọc của adidas và chữ ký của Yohji Yamamoto đã được bán hết chỉ trong hơn một năm đầu tiên. Cũng dễ dàng dự đoán rằng Y3, với phong cách phổ thông, trẻ trung sẽ đạt doanh thu cao gấp nhiều lần thương hiệu riêng của nhà thiết kế. Nhưng thiết kế nghịch mắt và tông màu đơn điệu của Yamamoto vẫn được giữ nguyên trong thương hiệu mang tên ông.

“Đôi khi tôi lạc quan, đôi lúc tôi bi quan về tương lai của mình. Công ty của tôi hoàn toàn cá nhân và độc lập. Đó là một phép màu bởi vì chúng tôi không bán túi xách và phụ kiện; chúng tôi tập trung vào áo quần mà vẫn còn tồn tại. Đó là điều may mắn. Vì vậy tôi nghĩ đơn giản rằng tôi vẫn tiếp tục thiết kế trang phục khi nào cơ thể còn cho phép.” –  ông chia sẻ đầy lo lắng như vậy

Có lẽ nhiều người cũng không thích gọi phong cách của Yohji Yamamoto là avant-garde, hay hậu hiện đại, hay cái gì gì đó đi nữa; có thể họ chỉ gọi nó là phong cách rách rưới Nhật Bản, vì họ thấy nó dễ đoán quá, không có sự siêu thực nào được đẩy lên cao trào cực đoan và đậm ma tính như Issey Miyake hay Alexander McQueen. Nhưng đó là chỉ là bề ngoài.

Chúng ta biết rằng tính ứng dụng trong 1 trang phục kiểu avant garde được trình diễn trên sàn catwalk là gần bằng con số 0, không chỉ bởi hình dáng kỳ cục bên ngoài mà còn vì chất liệu.

Rất nhiều các trang phục được tạo nên bởi các loại vải mới, vải thử nghiệm, hoặc loại vải siêu mịn với chỉ số sợi đến 200s chẳng hạn. Những loại vải này cho màu sắc và texture rất tốt, và dáng áo quần rất thướt tha, rất bay – nhưng sau một buổi diễn, chúng sẽ được cất kho hoặc cùng lắm bán cho mục đích sưu tầm. Không ai đoan chắc được việc mặc chúng trong sinh hoạt mà đảm bảo tiện lợi hoặc nguyên lành cả.

Chính đây là chỗ mà tài năng siêu thực của Yohji Yamamoto được phát tác. Ông có thể thích làm gì thì làm trên đống nguyên liệu phi thực tế này.

Hãy chú ý những nếp gấp quần áo chuyển động uyển chuyển theo bước đi của người mẫu. Còn ai giỏi hơn người Nhật về các thể loại gấp và xếp lớp. Tựa như những lát sashimi mỏng tang áp mặt vào nhau, hay một bông hoa origami, kỹ thuật tạo nên nếp gấp – frills và ‘frou-frou’ của ông, luôn mang lại sự kinh ngạc và tán thưởng cho người yêu mến thời trang.

Một lần nữa, làm thế nào để Yohji Yamamoto phủ định cái Nhật Bản trong tim óc của ông?

Ở tuổi 74, ông có đôi bàn tay với những móng tay ngả màu vì thuốc lá mà ông đã hút qua nhiều thập kỉ. “Trong chương trình học tại trường thời trang, họ không dạy về giá trị của chạm và ngửi. Họ chỉ vẽ, và đặt mọi thứ lên mẫu cơ thể. Họ gọi đó là thiết kế, đó là thứ tôi ghét. Rất ghét. Nên tận hưởng mùi của vải, cảm giác khi chạm vào chất liệu. Ngành công nghiệp này là ngành công nghiệp cuối cùng được làm bởi đôi tay con người, như tôi hằng yêu thích. Tôi vẫn chú tâm vào từng đường cắt, chuyển tải được từng bước đi đẹp đến thế nào. Điều này rất quan trọng – tất cả thiết kế về áo quần đều như thế.”

“Tôi đã từng ở trong ban nhạc rock vào năm 12, 13 tuổi và âm nhạc vẫn còn là niềm đam mê trong tôi, vì thế tôi thấy bản thân cống hiến nhiều thời gian cho nó. Đối với cuộc đời riêng, tôi thích đơn giản: một căn hộ nhỏ chỉ với một chiếc giường, một chiếc túi hành lí để dành du lịch và những quyển sách yêu thích – chỉ cần như thế… Tôi không muốn bất kì bức họa hay tranh ảnh xung quanh, tôi chỉ cần âm nhạc. Nó không đơn giản là mang lại cảm hứng cho tôi, nó khiến tôi thư giãn… khiến tôi có nhiều cảm xúc – tôi kết nối với nó. Tranh vẽ hay bức họa làm tôi phiền lòng bởi vì khi tôi còn nhỏ tôi muốn trở thành họa sĩ. Đó là giấc mơ đầu đời, vì thế tôi thực sự đang sống với giấc mơ thứ hai của mình.”

Nếu có lời chúc nào dành cho một người nghệ sĩ, chúng ta chúc ông có thể sống chết với đam mê của mình.

Với tư cách một người thưởng lãm nghệ thuật và khâm phục tinh thần Nhật Bản cao độ, tôi chúc ông “sinh nghề tử nghiệp”, tựa như một samurai ra đi trong vinh quang và danh dự bởi lưỡi kiếm của mình vậy.

“Yohji Yamamoto, hãy chết đi thôi, ông không thể nào sáng tạo hơn những điều tuyệt vời ông đã làm ra được nữa đâu. Nhưng nếu có thể, hãy tiếp tục làm tôi ngạc nhiên nhé.”

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top