“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn muốn trở thành một tay gangster. Với tôi, làm gangster còn sướng hơn làm tổng thống Mỹ”.
Câu nói mở đầu phim Goodfellas (tựa Việt là Chiến hữu) của nhân vật Henry Hill (Ray Liotta thủ vai) đủ khiến người xem cảm thấy bị cuốn hút bởi gã anh chị này nói riêng và thế giới gangster nói chung. Được ra mắt vào năm 1990 trong thời điểm Hollywood tràn ngập những tác phẩm nói về giới gangster như The Godfather III, Miller’s Crossing, King of New York hay Men of Respect … Goodfellas vẫn tách biệt hẳn với phần còn lại để đứng chung hàng ngũ với hai phần đầu The Godfather trong danh sách những phim về tội phạm hay nhất mọi thời đại.
Đỉnh cao của phim gangster
Giống như The Godfather, Goodfellas cũng là một tác phẩm chuyển thể. Nếu The Godfather được mô tả một cách lãng mạn hóa qua ngòi bút của Mario Puzo về giới gangster như những kẻ nghĩa khí, thanh toán địch thủ để bảo toàn danh dự thì Goodfellas lại trần trụi hơn rất nhiều. Đơn giản là bởi để thực hiện cuốn sách Wiseguy: Life in a Mafia Family với những gã mafia và các câu chuyên có thực mà sau này Goodfellas được dựa trên, tác giả Nicholas Pileggi đã trực tiếp tới phỏng vấn người trong cuộc Henry Hill.
Hill vốn tiếp cận với những tay anh chị khi mới chỉ lên 11 tuổi và trưởng thành, va vấp trong thế giới của tiền, rượu, súng và gái đẹp ấy. Vì lẽ đó, góc nhìn của gã cho thấy một góc khuất mà nhiều người vẫn ngó lơ hay tặc lưỡi chấp nhận: một thế giới của những tên mafia bất tuân luật lệ, coi tiền như rác và xem mạng người như cỏ rác.
Goodfellas dưới ngòi bút của Pileggi và ống kính của đạo diễn Martin Scorsese hiện lên như vậy: chân thực, gai góc mà không kém phần giải trí lôi cuốn. Câu chuyện được dẫn dắt bởi Henry Hill, từ khi gã còn là cậu bé chạy việc nhìn sang ô cửa đối diện của đám anh chị với con mắt thèm thuồng cho tới khi gã trở thành một phần của những tên du thủ du thực đó. Bối cảnh bộ phim được đặt trong giai đoạn từ 1955 tới 1980 và đã chứng kiến biết bao các phi vụ động trời mà Hill cùng đồng bọn đã nhúng tay vào.
Mọi thứ từ bảo kê, cướp hàng, buôn chất cấm cho tới cả giết người … chúng đều đã kinh qua. Bản cáo trạng của Henry Hill ngoài đời thực thậm chí còn dài tới mức đạo diễn Scorsese buộc phải gọt bớt khi đưa lên phim và vụ dàn xếp tỉ số môn bóng rổ vào năm 1979 của gã thậm chí chỉ được nhắc tới trên màn ảnh nhờ … một câu thoại!
Đúng như cái tựa phim mang ý nghĩa “Chiến hữu”, Henry Hill không hề đơn độc. Hắn có hai “cạ cứng” hành tẩu là Jimmy Conway (Robert De Niro) và Tommy DeVito (Joe Pesci). Nếu như Jimmy ra dáng của đàn anh và thường ủ mưu sâu đằng sau gương mặt luôn thân thiện với nụ cười thường trực thì Tommy đích thị là một ngọn núi lửa luôn chực phát nổ. Chính những cá tính khác biệt ấy trong nội bộ nhóm “chiến hữu” này đã góp phần biến 25 năm trong nghề của Henry Hill đầy những thăm trầm, hỉ nộ ái ố.
Ngày Goodfellas mới được khởi chiếu, đã có không ít những ý kiến bi quan được dành cho bộ phim. Kinh phí 25 triệu USD vốn không phải quá lớn so với những bom tấn Hollywood thông thường song lại là phim có chi phí tốn kém nhất trong sự nghiệp của đạo diễn Martin Scorsese. Thời điểm ấy, Scorsese thậm chí còn nhận nhiều lời đe dọa tới tính mạng sau khi bộ phim gây tranh cãi về tôn giáo The Temptation of Christ (1988) của ông được ra mắt. Ngay trong buổi chiếu thử, đã có tới 40 khán giả bỏ về sau 10 phút đầu tiên do những màn bạo lực gây sững sờ.
Song cuối cùng một bộ phim hay sẽ luôn được công nhận đúng với vị thế xứng đáng của nó. Goodfellas được đề cử sáu giải Oscar năm đó, bao gồm cả “Phim xuất sắc nhất” đồng thời độc chiếm ngôi đầu trong danh sách những phim hay nhất năm 1990 của nhiều nhà phê bình. Ngày nay, hiếm khi nào ngôi đền những phim hay nhất mọi thời đại vắng bóng Goodfellas. Nhà phê bình phim quá cố Roger Elbert thậm chí còn nhận xét rằng “Chưa từng có bộ phim nào về tội phạm có tổ chức được làm xuất sắc đến vậy, kể cả nếu đem so với The Godfather!”.
Xuất sắc đến từ từng tiểu tiết
Để làm ra được một bộ phim tầm cỡ như Goodfellas đòi hỏi sự gắng sức của không phải một cá nhân mà là cả một ê-kip. Người đứng đầu ê-kip ấy không ai khác chính là đạo diễn Martin Scorsese – tác giả của những Means Street, Taxi Driver hay Raging Bull kinh điển. Nhà làm phim ấy vốn chẳng hề xa lạ gì với những gã mafia người Mỹ gốc Ý nhờ lớn lên ở khu Little Italy của New York. Ông từng tự hứa với bản thân rằng sẽ chẳng bao giờ làm một phim gangster nữa, cho tới khi bắt gặp cuốn Wiseguy. Để đưa câu chuyện đời của Henry Hill lên màn ảnh rộng, Scorsese đã cùng tác giả Pileggi viết đi viết lại kịch bản tới tận 12 lần!
Dẫu có thời lượng hai tiếng rưỡi nhưng Goodfellas không hề đem lại cảm giác dài dòng bởi tài kiểm soát câu chuyện của Scorsese. Ông kể chuyện phim theo phong cách phi tuyến tính với những đan xen giữa thực tại và quá khứ, có những cú chuyển cảnh bất ngờ nhưng vẫn đủ để khán giả nắm được mạch thời gian qua ngoại hình của nhân vật. Goodfellas được thuật lại chủ yếu qua lời dẫn chuyện của Henry, song đôi khi vai trò người kể chuyện lại được giao cho cô vợ của Henry là Karen (Lorraine Bracco).
Người xem có thể nhận thấy sự thay đổi tâm lý nhân vật rõ rệt thế nào qua góc nhìn của Karen: từ một cô gái ngoan hiền khi mới gặp Henry cho tới một cô vợ đanh đá và sẵn lòng trở thành một phần trong đường dây buôn chất cấm của chồng mình. Việc đổi góc nhìn ấy cho thấy sự tài tình của Scorsese, khi ông thể hiện rằng hấp lực của thế giới gangster đủ sức thay đổi cả những con người tưởng như “lành” nhất! Ông tái tạo đúng cái thế giới bạo lực, đen tối nhưng cũng rất mời gọi với quyền lực và tiền bạc ấy … lên màn ảnh, để khán giả tự phán xét về những nhân vật và hành động của họ thay vì cố giảng giải đạo đức hay truyền thông điệp.
Scorsese chú ý tới từng tiểu tiết trong phim tới mức còn tự thắt cravat cho Ray Liotta để đảm bảo mọi thứ đều như ông hình dung. Cho đến ngày nay, người ta vẫn nhắc tới việc ca khúc kinh điển Layla được lồng vào Goodfellas trong cảnh đám mafia bị thủ tiêu hợp lý đến mức nào, và theo tiết lộ của một nhà sản xuất thì Scorsese đã “chọn ra ba chục ca khúc để lồng vào từng đoạn trong phim từ ba năm trước khi bộ phim được phát hành!”. Mỗi cảnh quay phim đều có sự hiện diện của những người từng quen với các nhân vật trong phim ở ngoài đời, để Scorsese có thể an tâm rằng ông đã làm ra một bộ phim chân thực tối đa. Đến như Henry Hill ở ngoài đời xem xong phim cũng phải tấm tắc khen Goodfellas đã lột tả gần như y hệt quãng đời trước đây của gã!
Nhưng Scorsese cũng may mắn khi có dưới trướng mình những diễn viên tuyệt hạng là Robert De Niro, Joe Pesci và Ray Liotta. Ở thời điểm Goodfellas được bấm máy, De Niro đã là một siêu sao và là cái tên đảm bảo uy tín lẫn kinh phí sản xuất cho dự án này trong khi hai người sau thì kém tiếng hơn. Ray Liotta đã 35 tuổi khi đó dù trong phim, nhân vật Hill bắt đầu hẹn hò với Karen khi mới 21 tuổi. Song chẳng hề gì, khi gương mặt trẻ hơn tuổi và quyết tâm của Liotta đã đủ để bù đắp khoảng cách về tuổi tác.
Sự thực là sau khi được Robert De Niro tiến cử cho Scorsese, Liotta đã trải qua một quãng thời gian thử thách. Khi ông tới dự Liên hoan phim Venice và thấy Scorsese, Liotta đã lại gần và bị cận vệ của Scorsese chặn lại. Nhưng thay vì nổi cáu, Liotta vẫn tỏ ra bình tĩnh và “ghi điểm” trong mắt Scorsese, bởi nhân vật Henry Hill ở ngoài đời cũng là một người trầm tính. Sau khi được giao vai chính, Liotta đã nghe băng cassette thu lời của Henry Hill từng ngày trên đường tới trường quay đến mức thuộc nằm lòng cách nhả chữ của nhân vật này!
Trái ngược với Hill, nhân vật Tommy của Joe Pesci lại là một gã khùng đúng nghĩa khi hắn ta sẵn sàng nổi cáu và giết người bởi những việc nhỏ nhặt nhất. Pesci vốn được biết tới nhiều trước đó với tư cách một diễn viên hài nhưng trong Goodfellas, ông đích thực là một gã “quỷ lùn” đáng sợ. Hiếm ai từng xem Goodfellas mà có thể quên cảnh gã dọa đồng bọn “Mày nói tao hài hước là ý gì?’. Năm 1991, Joe Pesci đã được trao giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất nhờ màn trình diễn đầy ngẫu hứng ấy.
Goodfellas lôi cuốn khán giả bởi nhiều đoạn thoại vừa hay lại vừa bỗ bã, tục tĩu rất “đời”. Không ít trong số những câu thoại đó được các diễn viên “tự biên tự diễn” khi ngồi tập kịch bản với nhau và được Scorsese ghi lại. Scorsese thậm chí còn giấu một số hành động hay câu thoại với các diễn viên khác, để họ có phản ứng bất ngờ một cách tự nhiên khi thấy bạn diễn nói những thứ không có trong kịch bản. Chẳng thế mà sau khi Goodfellas được ra rạp, gã Henry Hill ngoài đời thực đã tự hào về bộ phim tới mức đi công khai danh tính thực của bản thân và bị FBI gạch tên khỏi chương trình bảo vệ nhân chứng!
Vào năm 1986, Scorsese đã gọi điện cho tác giả Pileggi sau khi đọc xong cuốn Wiseguy và bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Tôi đã chờ cuốn sách này cả đời rồi”. Pileggi đã mỉm cười đáp lại: “Còn tôi cũng đã chờ cuộc điện thoại này cả đời!”. Và khán giả thì cảm ơn duyên số đã đưa hai cao nhân này tới với nhau, để rồi bốn năm sau đó dòng phim gangster đón nhận một kiệt tác mang tên Goodfellas.