tue1bb95i-tre1babb-khc3b4ng-he1bb91i-tie1babfc

Tuổi trẻ không hối tiếc (Huyền Chip) – Liều thuốc cần thiết cho các bạn trẻ thiếu sự độc lập, tính kỷ luật và óc thực tế

thđp review

Các web tự học, các cuốn sách đổi đời, phần mềm học tiếng anh, mẹo đọc sách, cách viết resume, cách viết email, cách tự học, cách xây dựng hình ảnh cá nhân, cách quản lý tài chính, v.v… Rất nhiều “danh sách” và “cách thức” được trình bày trong cuốn Tuổi trẻ không hối tiếc của tác giả Huyền Chip – người không còn xa lạ với giới trẻ Việt Nam với các tập sách Xách ba lô lên và đi hay Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford. Mới đầu đọc tựa và nhìn bìa sách, tôi đã mường tượng nội dung của Tuổi trẻ không hối tiếc nói về các triết lý tâm hồn nhiều hơn là kỹ năng hoạt động trong đời sống đơn thuần.

Khi đọc xong cuốn sách này, tôi tạm tóm tắt được triết lý sống cơ bản tác giả nêu ra dành cho người trẻ: Chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, phá vỡ các quy tắc (sống tự do, sáng tạo, cá tính.) Có một câu quote tôi tâm đắc nhất trong cuốn sách này đó là:

“Ai cũng muốn yêu cầu những quyền lợi của người lớn, nhưng không phải ai cũng đảm đương những trách nhiệm của người trưởng thành.”

Tuy nhiên, trong 16 phần của cuốn sách, chỉ có khoảng 2 – 3 phần đào sâu vào tầng tư tưởng (tinh thần, thái độ sống và bản chất của con người.) Toàn bộ nội dung còn lại dành cho các cách thức, phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật, mẹo – thứ chỉ là lớp vỏ bên ngoài của đời sống. Tôi đánh giá đây là một điểm hơi mất cân xứng về nội dung.

Có thể nói, ưu điểm lớn nhất của Tuổi trẻ không hối tiếc là sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong việc cung cấp thông tin. Đọc sách, người ta có thể áp dụng được ngay những nội dung cần thiết vào đời sống. Ví dụ: Bạn có thể điều chỉnh lại mức chi tiêu của mình trong tháng, hay lập ra được danh sách các việc quan trọng cần thực hiện trong ngày hay xây dựng một thói quen học ngoại ngữ hợp lý. Để có được những nội dung cụ thể, thực tế, dễ nắm bắt như thế này, chắc hẳn tác giả phải dành rất nhiều tâm huyết để sắp xếp, chọn lọc trước khi chia sẻ với mọi người. Tất nhiên, trước đó Huyền Chip cũng đã trải qua đa số chúng rồi. Không có gì là ẩn ý, ẩn dụ, khó hiểu ở cuốn sách này cả. Tất cả được phơi bày ra ánh sáng đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Cá nhân tôi cho rằng Tuổi trẻ không hối tiếc RẤT phù hợp với bộ phận lớn giới trẻ Việt Nam còn thiếu thốn tính kỷ luật, sự độc lập và yếu kém trong cách tổ chức, sắp xếp công việc nói riêng và đời sống nói chung. Chính xác hơn, cuốn sách này như một liều thuốc cần thiết cho các bạn trẻ có tâm hồn lơ lửng trên chín tầng mây, ảo tưởng nhiều hơn hành động, ngụy biện để trì hoãn/thoái thác trách nhiệm nhiều hơn là dấn thân vào cuộc đời.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng giải tỏa cơn khát thông tin của người trẻ Việt. Thông tin này bao gồm review, các kỹ năng, cách thức, số liệu thống kê và danh sách chủ yếu liên quan đến việc du học, tự học, sinh sống và làm việc. Tuổi trẻ không hối tiếc là cuốn cẩm nang hữu ích giúp một người có thêm động lực để cơ cấu lại cuộc sống của mình cũng như mạnh dạn bước tới những trải nghiệm ngoài vùng an toàn vì đã có dẫn chứng, kinh nghiệm người đi trước làm điểm tựa.

Không thể phủ nhận tính thực tế và sự hữu dụng cuốn sách mang lại. Cuốn sách self-help này đã hoàn thành được phần “help” rồi. Tuy nhiên, ưu điểm của Tuổi trẻ không hối tiếc lại tiềm tàng nhược điểm của nó. Tôi đã đọc xong cuốn sách cách đây hơn một tuần nhưng chưa biết diễn đạt các ý tưởng của mình ra sao trong việc đánh giá về nó. Lần đầu tiên trong đời, tôi phải trì hoãn việc viết review và chuyển sang đọc một cuốn khác – Góc nhìn Alan: Những bài chưa xuất bản. Thật kỳ khôi, cuốn sách của TS Alan Phan lại giúp tôi nhìn rõ hơn những điểm (tôi cho là) thiếu sót trong Tuổi trẻ không hối tiếc.

(Chú ý: Tôi so sánh không phải với mục đích phân biệt trình độ của hai tác giả. Sự so sánh là một cách đối chiếu để nhìn rõ vấn đề.)

Sau đây, tôi xin trình bày một vài chi tiết mà bản thân không đánh giá cao ở Tuổi trẻ không hối tiếc.

1. Tác giả nói về việc học, làm, sống, yêu, đi nhưng không nói đến nghỉ ngơi hay thư giãn

Việc này chẳng khác nào đề cập đến cực dương mà không nhắc đến cực âm vậy. Máy móc hay con người đều cần có khoảng nghỉ, cần bảo trì, chăm sóc cho sức khỏe. Trí tuệ vĩ đại nằm ở khả năng thư giãn (thiền), ở trong sự thư giãn, con người tới gần hơn với sự sáng tạo. Đọc cuốn sách lên, tôi chỉ mường tượng ra một người làm việc cả ngày, di chuyển liên tục, não luôn ở trạng thái vận động hết công suất, chỉ thấy chuyển động hối hả mà không có tĩnh lặng bình an.

Trong khi đó, sách của TS Alan Phan cũng mang rất nhiều màu sắc của sự vận động, nhưng ở đó có đan xen các ý tưởng về sự nghỉ ngơi giúp người đọc thấm hiểu được nội dung một cách tốt hơn. Đồng thời, người đọc cũng nắm được rằng cuộc sống không chỉ thuần là hành động, mà còn cần những khoảng lặng cần thiết.

2. Nội dung sách không có trọng tâm hay điểm nhấn

Nội dung các phần chỉ khác nhau ở thể loại công việc (đọc sách, kiếm việc, tìm người yêu, học đại học, trang trải kinh tế, v.v…) còn cách thức triển khai không sáng tạo – thuần là phân tích số liệu, liệt kê kỹ năng, cách làm, bước làm. Chưa kể các phần không có tính liên kết – rời rạc, độc lập, trơ trọi. Độc giả đọc đến đâu hay đến đó, khi tổng kết lại mạch sách thì khá khó. Riêng việc não bộ phải xử lý khối lượng lớn danh từ riêng (địa danh, tên trường, tên sách, tên người, tên ứng dụng, tên nước, tên phần mềm, tên lớp học, tên website, v.v…) và các con số thì cũng đã thấm mệt.

3.  Văn phong không có sự khác biệt/cá tính, thiếu sự mềm mại, sáng tạo

Đọc sách, tôi tưởng tượng ra tác giả là một người đàn ông hơn là một phụ nữ. Nội dung truyền đạt nhiều tính lý trí hơn xúc cảm. Đôi lúc, tôi có cảm giác mình đang đọc wikipedia hoặc đang chứng kiến liên tiếp các bài thuyết trình trên giảng đường. Tâm trí liên tục phải đón nhận các chỉ số, thông số, biểu đồ, danh sách trong khi các “hệ đệm” xúc cảm, sự nghỉ ngơi hay sự hài hước rất khan hiếm nên cuốn sách khiến người đọc dễ cảm thấy chán chường, tẻ nhạt.

4. Sự quá chi tiết, tỷ mỉ về nội dung gây hiệu ứng dội ngược, muốn tránh xa

Theo ý kiến của tôi, tác giả không nên phần nào cũng quá chi li, cụ thể đến từng con số. Chuyện này không khác gì cô giáo cầm tay học sinh viết từng chữ cái khi chúng mới vào lớp Một. Sự tâm huyết của tác giả tôi không phủ nhận. Nhưng đôi khi, một tác phẩm cần có những lời bỏ ngỏ để người đọc tự khám phá. Đó là một cách giúp đỡ và cũng thể hiện sự tôn trọng không gian trải nghiệm của nhau. Tôi ví von sự quá cụ thể cuốn sách như đoạn tiết lộ trước về một bộ phim sắp công chiếu. Nếu Tuổi trẻ không hối tiếc giúp độc giả tránh được những khó khăn trên đường đi thì đồng nghĩa, nó cũng góp phần làm mất một trải nghiệm vấp ngã thú vị. Nhiều khi, con đường chông gai lại đáng giá và đáng nhớ hơn một con đường trải đầy hoa hồng.

Cuốn Góc nhìn Alan: Những bài chưa xuất bản cũng mang màu sắc vận động và tính thực tế cao. Nhưng bên cạnh dẫn chứng với số liệu cụ thể, TS Alan Phan kết hợp cách nói khôi hài và ẩn dụ trong bài viết của mình giúp cho những nội dung lớn được thâu tóm trong một hai câu đơn giản. Tôi nhìn sách của ông Alan như một file nén, còn sách của Huyền Chip như file đã giải nén.

Ngoài ra, về hình thức, tôi không đánh giá cao bìa sách – rối mắt với nhiều chi tiết rườm rà, rời rạc.

Nếu cho điểm cuốn sách Tuổi trẻ không hối tiếc, tôi sẽ dành điểm 9 cho sự tỉ mỉ, chi tiết, thực tế và điểm 6 cho sự mềm mại, hài hước, sáng tạo. Tổng kết lại 7.5/10 là điểm dành cho cuốn sách này.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top