Một trong những nhân vật nghệ thuật mà mình yêu thích nhất là chàng khỉ đá Tôn Ngộ Không trong đại kiệt tác Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân. Trong góc nhìn khiêm tốn thì mình nghĩ rằng việc thấu hiểu được giá trị tinh thần của nhân vật này có thể mang lại lợi lạc lớn lao trên con đường tìm Đạo của một người. Hoặc ngược lại, việc cảm thấu được các chân lý khiến người ta có thể nắm bắt sâu sắc hơn ý đồ của tác giả khi xây dựng nên nhân vật đầy sắc màu này.
1. Tâm trí không phải sở hữu của cá nhân
Khi nhìn Tôn Ngộ Không, điều ấn tượng nhất mình liên tưởng đến là tâm trí. Nó sinh ra từ hư vô giống như con khỉ sinh ra từ phiến đá nằm giữa đất trời, chứ không theo thói thường là từ một khỉ mẹ. Tâm trí náo động nhảy nhót không yên là tạo vật của trời đất, không phải của con người. Chúng ta chỉ nằm trong tâm trí ấy và trải nghiệm nó thông qua những liên kết não bộ. Đi đến đâu ta cũng có thể suy nghĩ, tưởng tượng, ảo tưởng không phải bởi vì ta sở hữu tâm trí, mà có nghĩa là mạng lưới tâm trí ở muôn nơi và ta được kết nối với nó.
Ảo tưởng của con người nằm ở sự tư hữu, từ đó sinh ra một ảo tưởng khác là sự kiểm soát tâm trí. Việc này giống như chém lưỡi kiếm xuống mặt nước hòng cho mặt nước đứng yên. Sự nỗ lực kiểm soát tâm trí càng làm cho tâm trí náo động và sản sinh ra áp lực, bạo động. Trong cuốn Kỳ thư Kybalion, tác giả diễn giải sự “kiểm soát tâm trí” thực chất là sự dùng luật cao hơn để điều phối luật thấp hơn, tức là dùng một rung động thanh cao yên bình để đi ra khỏi vòng ảnh hưởng của tâm trí. Tương tự như trong Tây Du Ký, Đức Phật không hề sở hữu, kiểm soát Tôn Ngộ Không dù chàng khỉ đá ngỗ nghịch không thể lọt khỏi lòng bàn tay Ngài. Nhưng Ngài vẫn có thể dẫn dắt, cảm hóa Ngộ Không tiến bước trên đường phò tá Đường Tăng, hòa nhập Đạo lý, và cuối cùng Ngài phong hiệu Phật cho hắn khi bốn thầy trò hoàn thành cuộc hành trình.
2. Tâm trí không thể bị tiêu diệt, chỉ có thể được sử dụng
Tôn Ngộ Không là một nhân vật vô cùng thông minh và lanh lợi. Ngay từ khi đi học Đạo từ sư phụ Bồ Đề, hắn đã thể hiện sự nhạy bén xuất chúng, tương thông tư tưởng với bậc giác ngộ, vượt qua các bạn học khác đề được sư phụ trao truyền cho các phép thần thông. Có thể nói, Ngộ Không là một kỳ tài, một kho báu của đất trời. Tâm trí cũng vậy, nó có một tiềm năng vô hạn trong việc học hỏi. Chỉ là con người chưa đủ khả năng để rèn luyện và khai mở tiềm năng ấy. Nên tất cả những gì tâm trí thể hiện ra là một sự vô phép tắc và rối loạn. Điều này gây nên đau khổ bất tận cho con người giống như thể họ là đứa bé được đưa cho một thanh kiếm quá sắc mà lóng ngóng tự cắt vào chính mình.
Xét về ý tưởng này, Terence McKenna đã có câu:
“Vũ trụ là một bài kiểm tra trí thông minh.”
Còn Carl Jung thì nói:
“Suy nghĩ là việc khó, đó là lý do tại sao hầu hết mọi người phán xét.” (“Thinking is difficult, that’s why most people judge.”)
Tôn Ngộ Không là một tài năng xuất chúng, không thể bị giết chết. Hắn đã bị bắt lại tra tấn chặt đầu nhưng lại mọc đầu mới, luyện trong lò bát quái không cháy ra than mà rèn được đôi mắt thần nhìn xuyên vỏ bọc giả dối của yêu tinh, bị đày xuống chân núi Ngũ Hành 500 năm nhưng vẫn sống mạnh khỏe như thường (chỉ là phải chịu đựng sự kiềm chế bó buộc.) Phật Tổ đã nhìn ra điều này và có thể định hướng Tôn Ngộ Không cho một mục đích vĩ đại, trợ giúp Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, thay vì để uổng nhân tài. Trong quá trình có mục tiêu hướng thiện, Ngộ Không cũng tự được rèn dũa và trưởng thành.
Tâm trí cũng vậy, nó không thể bị tiêu diệt mà chỉ có thể được sử dụng. Có người tu thiền với mong ước tiêu diệt tâm trí, đây là một sự hoang đường ảo tưởng, không thực tế và sẽ làm cho người đó đau khổ bất mãn nhiều hơn mỗi khi tâm trí trỗi dậy. Tâm trí chỉ có thể được sử dụng với mục đích thiện lành, phục vụ Đạo lý. Sử dụng nó là cách duy nhất thuần phục nó, khẳng định vị trí làm chủ của trí tuệ cao hơn. Suy nghĩ tích cực là một trong những cách sử dụng tâm trí mà đa số con người không biết thực hành.
“Đối với người đã chế ngự được tâm trí, nó là bạn tốt nhất. Còn đối với kẻ chẳng làm được điều đó, nó là kẻ thù ghê gớm nhất.” – Sri Krishna, Chí Tôn Ca (6:6)
(Download Chí Tôn Ca SUYNGAM.VN version (Free) >>> bit.ly/CTC_)
3. Tâm trí và trí tuệ là hai thái cực đối nghịch
Trong phim, xuất hiện rất nhiều cảnh Tôn Ngộ Không và Đức Phật tương tác với nhau. Chúng ta có thể nhìn thấy hai trạng thái nhận thức đối nghịch, một bên là ồn ào, linh động, náo nhiệt, lanh lợi còn một bên là trầm tĩnh, kiên cố, dịu mát và thư thái. Giống như hai người là tấm gương phản chiếu lẫn nhau, nhờ có người này mà người kia mới thể hiện rõ ràng bản chất của chính mình. Cuối cùng, kết cục tốt đẹp nhất xảy ra thể hiện trong sự gặp nhau của hai thái cực, khi Ngộ Không giác ngộ thành Phật. Tức là sự tiến hóa của con người, của tâm trí là trở nên khiêm cung, tĩnh lặng và thấu suốt. Ngay trong cái tên “Ngộ Không” đã thể hiện xu hướng tiến hóa của tâm trí nháo nhác là trở thành sự tĩnh lặng tuyệt đối và mang một tầm nhìn vượt qua những ồn ào.
Trong con đường tu tập, có những người không hiểu ra được sự tương hỗ giữa hai đối cực nên ra sức gạt bỏ, chối từ tâm trí; đấu tranh, giãy đạp để vượt thoát đau khổ. Họ không nhận ra rằng sự hiện diện của ồn ào là biển báo dẫn đến khả năng thinh lặng. Họ cũng không nhận ra rằng đau khổ là động lực cho sự kiếm tìm chân lý. Nỗi đau thể hiện sự vươn mình rộng mở, sự trưởng thành của tâm trí chứ không phải một mối hiểm họa cần chống cự. Người ta nên vui sướng thay vì hoảng loạn.
“Khả năng tự hủy diệt bản thân là hình ảnh phản chiếu lại trong gương khả năng tự cứu lấy bản thân, điều đang thiếu là một tầm nhìn sáng suốt về việc nên làm gì.” — Terence McKenna
Trong cuốn Kỳ thư Kybalion, ở nguyên lý thứ 7 về giới tính, đã thể hiện rõ tính âm dương của tâm trí và trí tuệ. Chúng tuân theo nguyên lý nữ tính và nam tính, tâm trí huyên náo tiềm tàng sự tĩnh lặng, còn sự tĩnh lặng tiềm tàng tính linh động của tâm trí. Chúng là hai cực của thực tại mà không thể tách rời nhau, thu hút bổ trợ lẫn nhau. Việc cần làm của người tu Đạo là nhận ra điều này và học cách điều phối sử dụng chức năng của từng thứ sao cho nó mang lại lợi lạc lớn lao nhất trong đời sống. Hay nói cách khác, chúng ta cần phải học tập Phật Tổ trong cách thuần phục Tôn Ngộ Không vậy.
4. Giác ngộ là sự quy phục của tâm trí
Dù thông minh lanh lợi, chí khí hơn người nhưng sự ngang bướng của Tôn Ngộ Không cũng to chẳng kém tài năng của hắn. Chính sự kiêu căng của Mỹ Hầu Vương là thứ gây nên tai ương cho hắn ngay từ thuở đầu. Sư tổ Bồ Đề đã nói trong lúc đuổi Ngộ Không đi khỏi đạo tràng bởi sự nông nổi sĩ diện của hắn là: Sau này có gây nên tai họa thì đừng nhận là học trò của ta. Nhớ làm điều thiện, chớ làm điều ác.
Trong quá trình hỗ trợ Đường Tăng thỉnh kinh, Ngộ Không cũng không ít lần làm sai như giết người, bỏ mặc sư phụ, ăn nói xấc xược với Bồ Tát hay Phật Tổ, không bao giờ biết cúi mình trước các vị thiên thần, tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh (là thánh to ngang Trời), náo loạn thiên cung, v.v… Nhưng trong cuộc hành trình gian nan, mỗi lần được chư thiên cứu hộ là Ngộ Không đều biết cúi mình cảm tạ (dù đôi lần cũng tính “thủ” luôn các bảo bối của các vị), và đến cuối cùng, hắn biết bái lạy Phật Tổ và các vị Bồ Tát ở chốn Tây Thiên. Người ta được chứng kiến một sự quy phục của Ngộ Không và thấy sự thay đổi thần thái rõ ràng của nhân vật này. Hắn không còn là một con khỉ loi choi nhảy nhót đòi đi đầu thiên hạ, mà là một vị thánh khiêm nhường điềm đạm đến bất ngờ, tỏa ra hào quang dịu dàng bình yên.
Việc tu thiền hay học Đạo của con người là việc để cho tâm trí quy phục những điều lớn lao hơn như tình yêu, trí tuệ, Thượng Đế. Có như vậy thì bản thân tâm trí mới được soi sáng và nắm bắt được mục đích cao thượng vĩ đại của chính nó chứ không còn là sự nháo nhác phá hoại. Những người vô minh là những người kiêu căng, sống trong cái ao làng hiểu biết nông cạn; không có khả năng lắng nghe và đón nhận Đạo lý; thích đi tranh cãi, tranh luận, giằng co, đòi phần đúng và sự đồng tình về phía mình. Đó là một căn bệnh rất nguy hại, và cách chữa trị duy nhất là sự dập đầu khiêm cung, quy phục Trời Đất.
“Còn những kẻ vô minh, không có đức tin và nghi ngờ lời dạy của Thánh Kinh sẽ không thể đạt được ý thức Thượng Đế, họ thoái hóa dần dần và mãi mãi. Linh hồn hoài nghi không có hạnh phúc ở kiếp này lẫn kiếp sau.” — Sri Krishna, Chí Tôn Ca (4:40)
Tóm lại, không phải ngẫu nhiên mà Tây Du Ký là một trong bốn đại kiệt tác của Trung Hoa, và Tề Thiên Đại Thánh thông minh tinh nghịch lại chiếm được trái tim của nhiều thế hệ khán giả hơn bao giờ hết. Tôn Ngộ Không là một hình tượng ẩn dụ sâu sắc về con đường tiến hóa của một người, hay hành trình quy phục đạo Trời của họ. Bằng việc thấu hiểu bản chất của tâm trí và tinh tấn thực hành nâng cao nhận thức sống, một người sẽ tiến bộ vượt bậc trên Đạo lộ, hay sớm muộn cũng tới được miền đất Phật và được phong hiệu thiên thần, như chàng khỉ Tôn Ngộ Không vậy.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa – Hòa Taro