Đối với một nhiếp ảnh gia, được cầm trong tay chiếc máy ảnh mà mình yêu thích, được khám phá và tìm kiếm cái đẹp ẩn chứa trong vạn vật chắc hẳn là niềm hạnh phúc và vui thú lớn nhất. Tuy nhiên, điều này cũng cần đòi hỏi một nguồn năng lượng sáng tạo và nhiệt huyết trong từng shoot hình – một điều không dễ duy trì trong cuộc sống hiện tại bộn bề và đầy mối lo toan, những thứ sẽ làm kiệt quệ và trì trệ khả năng sáng tạo và nhìn nhận sự vật với lăng kính nghệ thuật. Do đó, chúng ta đều cần những làn gió mới lạ, những nguồn cảm hứng mới để tiếp tục truyền lửa đam mê cho công việc của mình. Những triết lý và quan điểm vượt thời gian của Van Gogh được sưu tầm dưới đây hi vọng rằng sẽ có thể mang lại cho bạn một nguồn năng lượng tích cực để giúp bạn trở nên say mê với công việc của mình hơn nữa.
“Tôi luôn luôn làm những điều chưa làm được, để một ngày nào đó có thể làm được” – Vincent Van Gogh
Trong nhiếp ảnh nói riêng, chúng ta thường xuyên than thở mỗi khi không thể làm được một thứ gì đó. Có thể là: “Mình chẳng thể suy nghĩ sáng tạo được!” hay “Chẳng thể nào chụp ảnh bằng chế độ thủ công, quá khó với mình.” Đây đơn thuần chỉ là thói quen chống chế, biện hộ của nhiều người mỗi khi không thể làm điều gì. Song có một sự thật rằng, chỉ vì chúng ta không thể làm được điều gì trong một thời điểm nhất định, không có nghĩa điều đó là mãi mãi bất khả thi. Vì thế, chúng ta thường cảm thấy không thoải mái và lo sợ mỗi khi đối mặt với một thử thách, một khái niệm mà chúng ta không thể nắm bắt, khiến cho việc tiến bộ bị cản trở đáng kể.
Trong nhiếp ảnh, từng bức hình sẽ trở thành một tấm gương phản chiều của bản thân giữa hiện tại và quá khứ, thể hiện những điều trước kia chúng ta gặp khó khăn thực hiện và những điều đạt được trong hiện tại, bởi nhiếp ảnh là một tổ hợp đa dạng những kỹ năng, đòi hỏi cả bộ óc sáng tạo, con mắt nghệ thuật và cả những hiểu biết, kiến thức máy móc về phần mềm máy tính và máy ảnh.
Đa phần những người mới học nhiếp ảnh thường chia thành 2 nhóm: nhóm 1 thường rất thạo về máy móc phần mềm, song lại tỏ ra khô cứng khi cần đến sự sáng tạo. Ngược lại, nhóm 2 thường tỏ ra dè dặt khi đối mặt với công nghệ, song lại cực kì giàu trí tưởng tượng và sáng tạo. Do đó, nếu muốn trở nên tự tin hơn mỗi khi bấm máy, chúng ta cần phải biết đối mặt và vượt qua những thử thách, những thứ mà chúng ta chưa làm được bằng cách tìm tòi, học hỏi và trải nghiệm. Bất cứ thứ gì cũng đều có thể học được, vấn đề chỉ là thời gian và sự kiên nhẫn, bởi “có công mài sắt có ngày nên kim”, thêm vào đó là lòng tin vào bản thân, vào khả năng của mình. Hãy như Van Gogh và luôn luôn thử thách bản thân với những thứ mà chúng ta chưa biết cách đạt được.
“Không ngừng tìm kiếm ánh sáng tự do trong nghệ thuật và đừng bao giờ sa lầy trong vũng bùn của thế giới”
Để có thể sáng tạo nghệ thuật, có thể tạo ra những tác phẩm, chúng ta cần phải tách mình khỏi đời thường và những bộn bề trong cuộc sống. Sự sáng tạo sẽ kết nối chúng ta đến một thế giới, một cuộc sống khác hẳn nơi mà chúng ta đang ở. Trong đời thường, mỗi người đều bận bịu với hàng trăm công việc, hàng ngàn mối lo toan. Chúng ta phải đáp ứng cuộc sống đó, phải xoay trở với nó. Tuy rằng đây hoàn toàn là điều dễ hiểu và cần thiết để chúng ta có thể chăm lo cho bản thân và những người xung quanh, song đây cũng là lối sống khiến chúng ta kiệt quệ về tinh thần và thể xác – điều chẳng ai muốn khi tìm kiếm sự sáng tạo và nghệ thuật.
Khi bạn ra ngoài chụp ảnh, hay khi bạn đang cố gắng tạo ra một điều gì đó, bạn sẽ cần phải sử dụng tới một phần khác của bản thân, một con người khác của chính mình, bởi nghệ thuật là tấm gương phản chiếu tâm hồn, phản chiếu cảm xúc, không phải lý trí. Bạn sẽ cần phải có một cái nhìn sâu vào bản thân mình, vào những trải nghiệm của mình, những thứ mà bạn yêu mến và trân trọng, để rồi lột tả chúng trong những tấm hình của mình.
Nhưng đời thường sẽ luôn là một gã phiền phức khiến cho bạn bị xao nhãng và chệch hướng mỗi khi cố gắng chìm trong tư duy và tâm thức sáng tạo, khién cho bạn nhớ lại những trăn trở của cuộc sống hàng ngày. Do đó, bạn sẽ cần phải tìm cách lưu giữ và duy trì cảm hứng của mình bằng cách tìm tới thiên nhiên, tách biệt khỏi sự ồn ào của thành phố bận rộn, hoặc tìm kiếm cảm hứng trong tác phẩm của các nghệ sĩ tài ba.
Phần lớn chúng ta hiếm khi biết cách tận hưởng từng giây phút trong cuộc sống của mình, hiếm khi cảm nhận thấu đáo những thứ đang diễn ra xung quanh và hiếm khi cảm thấy được kết nối với thế giới trước mắt mình. Do đó, việc dành thời gian để có thể tận hưởng cuộc sống một cách sâu sắc và vẹn toàn, cảm nhận vẻ đẹp và tìm kiếm niềm vui trong vạn vật sẽ mang lại cho chúng ta những nguồn năng lượng cực kì tích cực.
“Nếu như giọng nói trong đầu bảo rằng bạn không thể vẽ, hãy cứ vẽ và rồi giọng nói đó sẽ phải câm nín” – Vincent Van Gogh
Nếu bạn bắt đầu làm bất cứ điều gì với tâm thế, suy nghĩ tiêu cực rằng mình sẽ không thể làm được thì rốt cục bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được điều gì. Ai cũng cần phải vượt qua sự tự ti về những bất cập của bản thân để có thể chinh phục được mục tiêu của mình. Trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng, ai cũng có một giọng nói trong đầu bảo rằng bạn chẳng ra gì và những bức ảnh của bạn thật kém cỏi và tầm thường. Nhiều lúc, giọng nói đó có thể chiến thắng, khiến bạn cảm thấy chán nản và bỏ cuộc giữa chừng. Do đó, bản thân mỗi người cần phải trở nên cứng rắn và bản lĩnh để có thể phớt lờ đi mọi điều vớ vẩn mà chính khối óc của mình đang tự nói, và khiến cho giọng nói đó im lặng bằng cách bắt tay vào thực hiện đến khi đạt được thành quả mong muốn.
Sáng tạo vốn là một khái niệm trừu tượng và bí ẩn, không ai biết nó bắt nguồn từ đâu cũng như không thể định lượng sự sáng tạo hay đánh giá nó một cách chính xác nhất. Do đó, chúng ta thường cảm thấy bất an và lo lắng khi nghĩ tới những tấm hình của mình, liệu rằng chúng có đủ sức thuyết phục và đủ sáng tạo để khiến cho người khác cảm thấy thú vị hay không. Để khắc phục điều này, hãy cứ bắt đầu thử nghiệm, đừng nghĩ ngợi hay lo lắng gì về kết quả của mình.
“Nhận thức rõ về sự vô tận của vũ trụ sẽ khiến cho cuộc sống trở nên màu nhiệm hơn bao giờ hết” – Vincent Van Gogh.
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta thường đã quá quen thuộc với những thứ bình thường đang hiện hữu hàng ngày mà quên đi mất vẻ đẹp phi thường đang ẩn chứa trong thế giới xung quanh mình. Đôi mắt của mỗi người dường như đang dần bị bao phủ bởi những thứ nhạt nhẽo, tầm thường, che khuất đi những điều tuyệt vời của cuộc sống, khiến chúng ta khó có thể có được cảm hứng sáng tạo. Đó cũng là lý do vì sao người ta thường đi đây đi đó để khám phá những điều mới lạ.
Tuy nhiên, đối với nhiếp ảnh, chúng ta có thể thoát khỏi khuôn mẫu và tạo nên sự thay đổi bằng cách tự mình tìm ra những điều thú vị ẩn chứa bên trong những thứ bình thường nhất trong cuộc sống, học cách nhìn nhận cuộc sống bằng con mắt tích cực và đầy sáng tạo để có thể tự tìm cho mình nhiều khoảnh khắc giá trị cho những bức ảnh của mình. Chúng ta không cần phải đi đâu xa hay tìm những thứ mới lạ để có được cảm hứng cầm máy. Mỗi người chỉ cần kết nối bản thân với những vẻ đẹp mê hoặc ẩn chứa sau cuộc sống xô bồ và tấp nập hàng ngày.
“Hội họa là một tín ngưỡng răn dạy các tín đồ của mình bỏ ngoài tai mọi thành kiến và quan điểm của số đông” – Vincent Van Gogh
Xét về nhiều khía cạnh, việc học nhiếp ảnh ngày nay đang ngày càng trở nên thách thức hơn so với trong quá khứ, không phải bởi sự bão hòa về số lượng nhiếp ảnh gia, cũng không phải bởi các ứng dụng, thiết bị công nghệ hiện đại như smartphone, nguyên nhân chính là do lượng thông tin khổng lồ có trên internet, cũng như hàng loạt các ý kiến, quan điểm trái chiều trên mạng xã hội.
Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng là một công cụ tuyệt vời giúp chúng ta có thể học hỏi, tìm kiếm các thông tin cũng như chia sẻ những bức ảnh của mình cho cộng đồng. Song, thay vì nhận được những ý kiến đóng góp, xây dựng giúp cải thiện bản thân mình, mạng xã hội lại thường khiến chúng ta cảm thấy hụt hẫng và chán nản với những bình luận tới từ “cộng đồng mạng”. Hơn nữa, chúng ta thường tự tạo cho mình thói quen đánh giá tấm hình của mình dựa trên số “likes” nhận được.
Khi đăng tải những tấm ảnh của mình trên mạng, hầu hết những bình luận bạn nhận được đều vô dụng và không mang nhiều tính đóng góp xây dựng. Những người chẳng có mấy kiến thức hay kinh nghiệm gì về nhiếp ảnh cũng có thể nhảy vào và bình luận dưới bức ảnh của bạn, chia sẻ những suy nghĩ vu vơ của họ, khiến cho bạn cảm thấy nhụt chí và tự ti về thành quả của mình.
Do đó, nếu thực sự mong muốn được tiến bộ cũng như những bộ ảnh đẹp và độc đáo, hãy cứ thoải mái sáng tạo với những shoot hình của mình, sau đó tìm đến những người chuyên nghiệp, hay những người mà bạn thực sự tin tưởng để tham khảo ý kiến, đánh giá hay nhận xét mang tính xây dựng tích cực cho bạn.
“Chăm chú quan sát một sự vật thật lâu sẽ khai mở cho bạn thêm nhiều ý tưởng và mang lại nhiều ý nghĩa
Nhiều người vẫn thường nghĩ rằng để chụp được một tấm ảnh đẹp, chỉ cần nắm bắt và xử lý thuần thục những thao tác kỹ thuật hay các chức năng của một chiếc máy ảnh. Đối với họ, học được cách máy ảnh vận hành là đủ để khai phá mọi tiềm năng của nhiếp ảnh.
Điều này quả thực quá sai lầm! Nói vậy cũng không có nghĩa máy ảnh không phải là một công cụ đa dạng về tính năng hay không sở hữu những công nghệ hiện đại mang lại những tiện ích nhất định cho người dùng. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng dù có sử dụng thuần thục bao nhiêu tính năng và công nghệ đi chăng nữa, nếu người cầm máy không sử dụng trí tưởng tượng và con mắt nghệ thuật để nhìn thế giới xung quanh, việc có được một bức ảnh đẹp là gần như bất khả thi.
Một số người có thể nói rằng: “nhưng tôi vẫn có thể nhìn nhận những thứ đang diễn ra quanh mình đấy thôi!”. Nhưng họ đã lầm. Thế giới quanh ta ẩn chứa đầy những chi tiết, những sự vật hiện tượng nhỏ bé mà đôi mắt thường dễ dàng bỏ qua. Do đó, những gì chúng ta đang thấy thường chỉ là một phần rất nhỏ của những gì đang thực sự diễn ra và tồn tại xung quanh. Hơn nữa, cũng chính vì mỗi người thường tự tạo cho mình những thói quen nhằm giúp cho cuộc sống diễn ra thuận tiện và suôn sẻ nhất có thể, chúng ta thường chỉ nhìn nhận một sự vật hiện tượng theo đúng trình tự lặp đi lặp lại và hiếm khi nhận thức được những sự thay đổi đã và đang xảy ra. Hãy thử tưởng tượng đến một ngày bạn đang đi bộ trên con phố thân thuộc và bỗng nảy ra ý muốn trèo lên tòa nhà cao nhất để nhìn ngắm phố phường, cảnh vật phía dưới chắc hẳn sẽ khiến bạn ngạc nhiên về những điều tưởng chừng như thân quen, nay lại trở nên thật mới lạ.
Thế nên, là một nhiếp ảnh gia, ai cũng nên học cách mở rộng sự nhận thức của mình cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, học cách để thấy được nhiều hơn những gì ta đang thấy, học cách chú ý tới những tiểu tiết. Điều này cũng sẽ giúp bạn cải thiện tính kiên nhẫn của mình – vốn là một đức tính tốt đối với một nhiếp ảnh gia.
“Nếu bạn có lòng yêu quý tự nhiên, bạn sẽ tìm thấy vẻ đẹp ở bất cứ đâu đặt chân tới” – Vincent Van Gogh
Khái niệm “tự nhiên” ở đây có thể được hiểu theo một nghĩa rộng hơn, khác với những gì chúng ta thường nghĩ tới chẳng hạn như cỏ cây hoa lá, con người, muông thú hay cảnh vật thiên nhiên. “Tự nhiên” ở đây chính là khi chúng ta tìm thấy cái đẹp của riêng mình trong bất cứ hiện tượng, sự vật ngẫu nhiên nào đó và có thể nắm bắt chúng trong bức ảnh của mình. Đó có thể là sự giao thoa giữa cảnh vật đô thị phồn hoa và cảnh thiên nhiên mộc mạc. Đó có thể là quả quýt bị đánh rơi nằm trơ trọi trên phố đông người. Đó có thể là sắc màu tuyệt đẹp của bầu trời bình minh bên trên những tòa nhà cao tầng, hay bầu trời xám xịt trước cơn bão… Tóm lại, có thể hiểu rằng, vẻ đẹp hiện hữu ở mọi nơi, bạn chỉ cần phát triển khả năng của mình để biết cách tìm kiếm những khoảnh khắc vô giá đang ẩn giấu trong thế giới quanh mình.