Về Meister Eckhart
“Meister Eckhart sinh ra ở vùng Thuringia khoảng năm 1260. Sau vào dòng Đa Minh; sang du học tại Đại Học Đường Ba Lê; sau làm Bề trên cả dòng Đa Minh xứ Bohemia. Ông giảng thuyết rằng trong tâm hồn con người có một tàn lửa thiên chân, đồng bản thể với Thượng Đế. Bản thể Thượng Đế thâm nhập vào lòng sâu vạn hữu. Thượng Đế không ở đâu chân thực cho bằng trong tâm hồn con người. Ông tin rằng ông trực tiếp cảm thông với Thượng Đế. Ông tin rằng nhờ giác ngộ, nhờ cảm nghiệm tâm linh, tâm hồn con người có thể kết hợp với Thượng Đế, vì Thượng Đế chính là cùng đích cho con người vươn lên. Ông bị tố cáo là rối đạo. May thay ông mất vào khoảng năm 1327. Mãi đến năm 1329, giáo hoàng John XXII, mới tuyên án ông là phản giáo, đã có 17 điều sai lạc… Nhưng trước công luận, mọi người thường vẫn coi Eckhart là một vị đại thánh. Lúc bấy giờ là khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14, Đông Tây chưa hề có cách nào mà gặp gỡ nhau, thế mà tư tưởng trên hoàn toàn phù hợp với thánh hiền Đông Phương, thực là một sự lạ lùng.” – Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, Đường vào Triết học và Đạo học
“Trong những trang sau đây tôi có ý muốn bạn đọc chú ý đến sự gần gũi của lối tư tưởng của Meister Eckhart với lối tư tưởng của Đại Thừa Phật Giáo, nhất là Thiền Tông. Đó mới chỉ là một nỗ lực dọ dẫm và sơ sài, chứ không hề là một nỗ lực có hệ thống và thấu đáo. Nhưng tôi hy vọng bạn đọc sẽ tìm được trong ấy một cái gì đủ kích thích óc hiếu kỳ của mình để quyết định nghiên cứu sâu xa hơn nữa về chủ đề quyến rũ này.
Khi tôi thoạt đọc—cách đây đã hơn nửa thế kỷ—một tập sách nhỏ gồm vài bài thuyết giảng của Meister Eckhart, tôi xúc động tràn trề, vì tôi không bao giờ ngờ rằng có một nhà tư tưởng Thiên Chúa nào xưa hoặc nay lại có thể hay dám ôm ấp những tư tưởng táo bạo như những tư tưởng được bày tỏ trong các thuyết giảng kia. Tôi không nhớ rõ tập sách nhỏ kia gồm những bài thuyết giảng nào, nhưng tư tưởng được thuyết minh trong ấy gần gũi với tư tưởng Phật Giáo. Thật thế, gần gũi đến nỗi người ta có thể đoan quyết rằng những tư tưởng ấy phát sinh từ những trầm tư Phật Giáo. Theo chỗ tôi có thể phán đoán được, Eckhart hình như là một “tín đồ Thiên Chúa” phi thường.
Cố không đi vào chi tiết, ít nhất chúng ta cũng có thể nói được điều này: Thiên Chúa Giáo của Eckhart thật là độc đáo và có nhiều điểm khiến chúng ta do dự không muốn xếp ông thuộc vào loại mà ta thường phối hợp với chủ nghĩa hiện đại duy lý hóa hay chủ nghĩa truyền thống bảo thủ.
Ông đứng trên những kinh nghiệm của riêng mình, những kinh nghiệm phát sinh từ một tư cách phong phú, thâm trầm, đạo hạnh. Ông cố đem lại cho chúng một ý nghĩa “bí truyền” hay nội tại, và vì làm thế ông bước vào những địa lực mà đa số những tiền nhân lịch sử của ông đã không chạm đến.” – Daisetsu Teitaro Suzuki, Huyền học Đạo Phật và Thiên Chúa (Như Hạnh dịch)
“Người ta cho Eckhart là nhà thần bí vĩ đại nhất của nước Đức thời Trung cổ, một học giả lừng danh có một không hai được mọi người biết đến, vì ông là người đầu tiên đã thuyết pháp bằng tiếng Đức thay vì tiếng La Tinh, để các thường nhân có thể hiểu được. Tuy nhiên, sau khi ông chết, phần nhiều những điều ông truyền dạy đều bị Tòa Thánh Vatican coi là dị giáo, vì ông đã thuyết giảng việc có thể trực tiếp giao tiếp với Thượng Đế. Tất cả các tác phẩm của ông đã bị tịch thu và đốt cháy. Chỉ những tác phẩm mà đầu đề được thay đổi để bảo mật, là còn tồn tại cho tới nay.
Eckhart nói rằng chúng ta không nên lấy làm mãn nguyện với một Thượng Đế do tư duy của trí óc, vì một khi tư duy đã mất đi thì Thượng Đế cũng mất luôn. Thế nên, chúng ta về cơ bản nên có một Thượng Đế vượt ra ngoài tư tưởng của con người và tất cả các tạo vật. Ông mô tả cái trạng thái của tâm trí khiến điều đó có thể xảy ra là trạng thái Abgeschiedenheit (sự cách ly). Sự cách ly đó là một trạng thái trong đó tâm trí hoàn toàn phó thác cho ‘ý muốn của Thượng Đế -một trạng thái gần như hư không mà ta đạt được bên ngoài tư ngã mình. Ông thường dùng ẩn dụ dưới đây để làm cho ý nghĩ của mình dễ hiểu hơn.
Khi ta viết trên một tờ giấy, và nếu có gì trên đó, những chữ viết và hình ảnh đó có đẹp tới mấy đi nữa, thì đó là những chướng ngại đối với người viết là người thấy thích viết hơn trên một tờ giấy trắng.
Tương tự, nếu Thượng Đế phải viết một điều gì, thì ta cần phải đưa ra một bề mặt bỏ trống. Cái trạng thái không cò gì hết gần như hư không là điều đã có trước khi Thượng Đế tạo ra vạn vật. Eckhart nói một con người trong trạng thái đó sẽ tự động chứa đựng Thực Chất của Thượng Đế, và sẽ trông thấy Thượng Đế trong vạn vật.” – Rozak Tatebe, Hành trình tâm linh trong Subud (Minh Thần dịch)
10 giáo huấn tâm linh từ Meister Eckhart
1. “Nếu lời cầu nguyện duy nhất bạn nói là ‘cảm ơn’, bấy nhiêu đó là đủ.”
2. “Đôi mắt tôi dùng để nhìn God cũng là đôi mắt God dùng để nhìn tôi. Mắt tôi và mắt God đều cùng là một, một cái nhìn, một cái biết, một tình yêu.”
3. “Hãy sẵn sàng làm một tân sinh mỗi buổi sáng.”
4. “Và bỗng nhiên bạn biết: Đã đến lúc bắt đầu một chuyện mới và tin vào phép màu của sự khởi đầu.”
5. “Chỉ có bàn tay biết xóa mới có thể viết ra được sự thật.”
6. “Một số thích sự tĩnh mịch. Họ bảo sự bình tâm của họ dựa vào điều này. Một số người khác nói họ ở trong nhà thờ thì tốt hơn. Nếu bạn sống tốt, bạn sống tốt ở bất cứ đâu. Nếu bạn thất bại, bạn thất bại ở bất cứ đâu. Môi trường không quan trọng. God ở với bạn khắp mọi nơi, ở ngoài chợ cũng như ở nơi xa cách hay trong nhà thờ. Nếu bạn không tìm gì khác ngoài God, không gì hay không ai có thể làm phiền bạn. God không thể bị phân tâm bởi vật việc, chúng ta cũng vậy. Tâm linh không thể học được bằng cách bay khỏi thế giới, hay bằng cách trốn tránh, hay bằng cách thu mình vào sự cô tịch cách ly với đời. Thay vào đó, chúng ta phải học được sự tĩnh lặng nội tâm ở bất cứ đâu hay với bất cứ ai. Chúng ta phải học cách nhìn xuyên thấu mọi thứ và tìm thấy God ở đó.”
7. “Không có gì trong mọi tạo vật giống God như sự tĩnh lặng.”
8. “Các nhà thần học có thể tranh cãi, nhưng các nhà huyền học của thế giới thì nói cùng một ngôn ngữ.”
9. “Thật sự, trong bóng tối một người tìm thấy ánh sáng, nên khi ta đang sầu khổ, thì ánh sáng cũng đang gần kề ta nhất.”
10. “Trí tuệ nằm trong việc làm chuyện tiếp theo bạn phải làm, toàn tâm toàn ý, và tìm thấy niềm vui trong đó.”
(Trích đoạn từ bài full 27 câu đã xuất bản trong tạp chí Aloha volume 27. Đặt mua tạp chí Aloha tại http://)
Biên soạn + Biên dịch: Prana – SUYNGAM.VN